Chiều 3/1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã đến thăm và làm việc với các thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Thái Phiên — nơi sinh hoạt tập trung của các cán bộ trung, cao cấp nghỉ hưu trên địa bàn, nơi được xem là "chỗ dựa chính trị của TP".
Tại đây, nhiều cán bộ hưu trí từng là lãnh đạo tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, TP Đà Nẵng qua các thời kỳ đã bày tỏ nhiều tâm tư trước việc mới đây Trung ương phải ra quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo TP Đà Nẵng.
Ông Phạm Phát, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy QN-ĐN (cũ), Chủ nhiệm đầu tiên khi CLB Thái Phiên được thành lập cách đây hơn 20 năm cho rằng có một số dư luận ngoài xã hội đánh giá chưa đúng về việc lãnh đạo Đà Nẵng bị kỷ luật, cho rằng đó là chuyện buồn hơn vui, rằng đó là không may, là cái mang tiếng cho TP Đà Nẵng…
Theo ông Phát, cần phải nhìn nhận cho đúng về việc lãnh đạo Đà Nẵng bị kỷ luật.
"Giống như một ca giải phẫu, mới mổ xẻ máu me lầy lụa. Nhưng đó là cái may mắn của cơ thể. Nếu không có cái mổ xẻ đó thì cực kỳ nguy hiểm. Tôi cho tình hình TP vừa rồi là như vậy. Cũng vì vậy mà nhiều người dân phấn khởi chờ đợi kết quả hậu phẫu như thế nào. Tôi tin là sẽ rất tốt!" — ông Phạm Phát nói.
Ông Trương Quang Nghĩa xác nhận trước việc lãnh đạo Đà Nẵng bị kỷ luật cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau.
"Tôi nói với các anh trong Ban Thường vụ Thành ủy là với mỗi một cái sơ sẩy, với mỗi một cái không may thì phải tìm ra được một cái gì. Ở đây phải tìm ra bài học lớn như thế nào chứ!" — ông Trương Quang Nghĩa nói và cho biết sáng nay 3/1, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12.
Qua đó ông Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: "Cái sai của chúng ta trong thời gian vừa rồi là nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đạt. Câu chuyện đất cát, tới đây sẽ có những câu hỏi, và bây giờ trên báo chí cũng bắt đầu đặt ra: Tại sao Vũ "nhôm" có thể mua được nhiều đất công đến thế mà không phải là người khác? Rõ ràng là cần phải xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của chúng ta ra làm sao cho chuẩn mực!".
Ông Trương Quang Nghĩa cũng cho biết, sau khi có kết luận của Trung ương, hiện Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đang tiếp tục kiểm điểm theo kế hoạch số 41, kế hoạch số 43. Các đơn vị ở sở theo Kết luận số 292 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đang tiến hành kiểm điểm.
"Tôi cảm nhận qua đợt kiểm điểm này có rất nhiều đồng chí nhận thức ra, thấy được vấn đề. Tôi vẫn nói cái đáng sợ nhất là người ta cố tình không nhận khuyết điểm, không nhận thức được khuyết điểm. Tôi nói thẳng trong Thường vụ là khi nhận ra được khuyết điểm, người ta sẵn sàng đứng lên, còn không nhận ra được và không dám nhận thì người ấy suốt ngày chỉ có thể cúi gập mặt xuống mà đi. Lòng tin rồi sẽ mất. Ban Thường vụ cũng rất cương quyết, khách quan và tạo mọi điều kiện cho các đồng chí của mình nhận khuyết điểm và khắc phục khuyết điểm!" — ông Trương Quang Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, việc kỷ luật lãnh đạo Đà Nẵng cũng là một quyết định rất khó khăn đối với Trung ương. Có nhiều phân tích, quan điểm khác nhau nhưng đánh giá chung của Trung ương thì đó là một quyết định kịp thời, đúng mực.
"Một khối u mà không có phương pháp xử lý đúng và kịp thời thì dẫn tới không chỉ là một vết đau mà có khi dẫn tới tử vong chứ không phải chuyện đơn giản!" — ông Trương Quang Nghĩa phân tích.
Ông thuật lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là có một số ý kiến thắc mắc tại sao lại xử lý kỷ luật lãnh đạo Đà Nẵng khi mà APEC 2017 đã cận kề. Tuy nhiên Bộ Chính trị đã cân nhắc rất kỹ và đưa ra Trung ương với quyết định rất tập trung. Và rõ ràng, thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng vừa qua cho thấy Trung ương đã quyết định rất đúng mực và rất đúng thời điểm.
Ông Trương Quang Nghĩa nhấn manh: "Với những người có khuyết điểm thì tổ chức luôn tạo mọi điều kiện để họ khắc phục. Và tôi cũng rất tin là họ sẽ khắc phục tốt. Chúng ta kiểm điểm để cho người ta vươn lên, đi tới chứ không phải để cho người ta nằm xuống, hay theo cái kiểu nói vui là "đánh cái cho chết luôn". Đó không phải là cách thức của chúng ta!".
Đồng thời ông lưu ý về khái niệm "đồng thuận" mà lâu nay lãnh đạo Đà Nẵng vẫn hay đề cập.
"Đồng thuận quá để dẫn tới kỷ luật cả tập thể thì đó không phải là sự đồng thuận. Cái đó gọi là xuôi chiều, thỏa thuận với nhau chứ không phải là đồng thuận. Như thế là rất không ổn. Trong sinh hoạt, chúng tôi sẽ cố gắng không để lại xảy ra tình trạng này!" — ông Trương Quang Nghĩa cam kết.
Tại buổi gặp, ông Đặng Vân nêu ý kiến: "Vừa rồi có sự cố đó và sự cố thì có nguyên nhân của nó. Bây giờ chúng tôi đề nghị làm sao xây dựng khối đoàn kết trong tập thể ban lãnh đạo. Từ tập thể ban lãnh đạo xây dựng đồng thuận lòng dân".
"Cần xử lý, làm rõ được vì sao Vũ "nhôm" chi phối được lãnh đạo của chúng ta mà trong nhiều năm không dám nói ra. Tôi đề nghị nghiên cứu cho kỹ. Sáng nay thấy thông tin Vũ "nhôm" ở Singapore thì chúng tôi hy vọng rằng bằng cách nào đó, dẫn độ hay sao đó để đưa Vũ "nhôm" về Việt Nam", — ông Vân nói.
Nói về ý kiến trên, ông Trương Quang Nghĩa (Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng) cho hay, bây giờ trên báo chí bắt đầu đăng tại sao Vũ "nhôm" có thể mua được nhiều đất công như thế mà không phải là người khác. Rõ ràng cần xem lại quy trình, nguyên tắc quản lý của chúng ta làm sao cho chuẩn mực.
"Hôm nay, Ban Thường vụ tổ chức sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Cái sai của chúng ta trong thời gian vừa rồi là nguyên tắc tập trung dân chủ chưa đạt. Câu chuyện đất cát và tới đây sẽ có những câu hỏi. Với Ban Thường vụ chúng tôi đang cùng nhau phải làm cho đúng vai. Bí thư Ban Thường vụ ra sao, Chủ tịch UBND rồi ban cán sự UBND như thế nào. Đảng đoàn HĐND vai trò như thế nào. Các cơ quan đều có một chức năng và đã là chức năng thì không thể thay thế, thay vai được. Và phải đi từ đó. Qua sự việc vừa rồi cũng đang phải tiếp tục kiểm điểm", — ông Nghĩa nói.
Nguồn: infonet, PLO