Năm 2017 khép lại với mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, vượt mục tiêu 6,7% Quốc hội giao; lạm phát cán đích 3,53%, thấp hơn kế hoạch đưa ra là 4%. Đây cũng là mức tăng GDP ấn tượng nhất, cao nhất trong 6 năm qua. Cùng với đó 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế — xã hội Quốc hội giao đều đạt và vượt kế hoạch.
Dấu ấn tăng trưởng kinh tế theo ông Nguyễn Bích Lâm — Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, là nhờ sự trỗi dậy, phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế vào nửa cuối năm 2017. Nhớ lại thời điểm đầu năm 2017 khi kết thúc quý I kinh tế chỉ tăng 5,1% (sau soát xét là 5,15%), ông Lâm kể, có không ít nghi ngại cho rằng kinh tế sẽ khó cán đích mốc mục tiêu 6,7%. Có những lúc tưởng chừng mục tiêu 6,7% sẽ khó khả thi, nhưng nhờ nỗ lực và chỉ đạo, giao chỉ tiêu tới từng Bộ, ngành, lĩnh vực của Chính phủ, nền kinh tế quay đầu và đạt mức tăng ngoạn mục vào nửa cuối năm.
"Mức tăng trưởng hơn 7% của quý III và quý IV là cú hích lớn cho nền kinh tế năm qua", lãnh đạo Tổng cục Thống kê đánh giá. Xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nông nghiệp và doanh nghiệp thành lập mới… là những điểm sáng được lãnh đạo Tổng cục Thống kê nêu, góp vào bức tranh kinh tế 2017.
Kết thúc năm 2017, xuất nhập khẩu đạt gần 425 tỷ USD, lần đầu vượt con số 400 tỷ USD và được coi là "kỳ tích" trong thập niên qua. Bên cạnh đó, chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp giúp khu vực này có lội ngược dòng từ mức âm năm 2016, ghi nhận tăng gần 3% sau một năm.
"Điểm sáng tăng trưởng trong nông nghiệp rất đáng ghi nhận, bởi chuyển đổi cơ cấu để tăng 1% trong ngành này vô cùng khó khăn", ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.
Điểm sáng tiếp theo góp vào mức tăng chung của kinh tế là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ phần lớn từ sự đóng góp của Samsung và Formosa. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, Samsung và Formosa đã đóng góp 4,02 điểm phần trăm vào mức tăng 9,4% của ngành công nghiệp trong năm 2017.
Tuy nhiên, trong số các chỉ tiêu ‘soi chiếu' tăng trưởng kinh tế như xuất nhập khẩu, nông nghiệp, công nghiệp… đều có mức tăng ấn tượng thì một chỉ số lâu nay vẫn nằm trong "rổ" tham chiếu GDP là tăng trưởng điện thương phẩm lại có một năm quay đầu giảm mạnh, chỉ còn 8,92% so với mức 11-12% các năm trước.
"Điện thương phẩm tăng thấp vì nhu cầu tiêu dùng dân cư giảm do tác động yếu tố thời tiết mát hơn mọi năm, trong khi điện cho sản xuất vẫn được ngành điện đáp ứng đủ", ông Lâm nói.
Bóc tách từng số liệu của tỷ lệ tăng trưởng điện thương phẩm, lãnh đạo Tổng cục Thống kê phân tichs, điện sản xuất khu vực công nghiệp, xây dựng năm 2017 vẫn tăng 11,4%, "hoàn toàn phù hợp" so với mức tăng trưởng kinh tế 6,81%.
Bên cạnh đó, điện cho dân cư, tiêu dùng giảm gần 2% khi chỉ đạt ngưỡng tăng 4,4%; điện khu vực nông — lâm, thủy sản tăng 19,76% và tỷ lệ điện trong lĩnh vực thương mại, khách sạn, nhà hàng tăng 9,89%; các hoạt động khác là 7,26%.
Theo các chuyên gia dự kiến xu thế tăng trưởng mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cùng sự phục hồi của thị trường hàng hóa thế giới. Bên cạnh đó, một số chính sách rất lớn, đáng kể nhất là mô hình đặc khu kinh tế đặc biệt hay tiến trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng đầu được giới phân tích kỳ vọng sẽ mang tới các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Đánh giá về khả năng phát triển của một số lĩnh vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ… Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, sẽ khó có khả năng bứt phá mạnh như 2017. Cho dù triển vọng trước mắt đã khả quan hơn, rủi ro trong trung hạn vẫn lớn.
Ông cho rằng thách thức lớn nhất với nền kinh tế vẫn là yếu tố đến từ bên ngoài như địa chính trị. Còn nội lực bên trong, phải xử lý hài hòa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế, dọn dẹp điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione — Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lại lo lắng tới năng suất lao động Việt Nam, dù tốc độ tăng nhưng vẫn thấp so với các nước, bình quân khoảng 4% so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc. Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.
"Dù tính toán năng suất theo cách nào thì câu hỏi cần đặt ra vẫn là hiệu quả, làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào. Không cách nào khác cần phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của nhà nước", Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nêu quan điểm.
Theo: Vnexpress