Đại gia đất vàng
Ông Phan Văn Anh Vũ được nhiều người dân Đà Nẵng biết đến với tên gọi Vũ "nhôm" bởi có thời gian làm thợ nhôm kính. Sau đó chuyển sang lĩnh vực bất động sản và nhanh chóng trở thành đại gia nổi tiếng ở Đà thành, sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn như: Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79; Công ty CP Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty CP đầu tư và phát triển Chấn Phong) và nhiều công ty khác mà người thân của ông này đứng tên hoặc góp vốn.
Trung tuần tháng 9/2017, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đề nghị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phối hợp thực hiện một số nội dung: Cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt thực hiện các dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước cho tổ chức cá nhân của UBND TP Đà Nẵng từ 2006 đến nay. Cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến 9 dự án, mua/thuê 31 nhà công sản tại TP Đà Nẵng. Danh sách 9 dự án và 31 nhà công sản bị điều tra đều liên quan đến Vũ "nhôm" và các công ty của ông này. Một cá nhân có thể mua được nhiều nhà công sản ở những vị trí đắc địa, đắt đỏ đã đặt ra nhiều câu hỏi cho dư luận. Theo tìm hiểu, các dự án, nhà công sản này đa phần được UBND thành phố bán dưới thời ông Trần Văn Minh làm chủ tịch UBND thành phố.
Trong danh sách nhà công sản được điều tra có lô đất tại 57 đường Lê Duẩn. Nằm ở vị trí trung tâm của thành phố, lô đất này người dân gọi là "đất kim cương". Ngày 26/10/2010, Đà Nẵng đã có Quyết định 8235 cho phép bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất tại số 57 Lê Duẩn với giá hơn 62 tỷ đồng. Việc bán lô đất 1.770 này cho Cty Công nghệ phẩm Đà Nẵng được thực hiện không qua đấu giá. Trong quyết định nêu rõ, Cty này phải nộp tiền mua nhà và chuyển quyền sử dụng đất vào ngân sách thành phố trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Nộp đủ tiền trong thời hạn 30 ngày sẽ được giảm 10% tổng số tiền sử dụng đất (tương đương hơn 6,2 tỷ đồng). 3 ngày sau Cty quản lý nhà và Cty Công nghệ phẩm Đà Nẵng ký hợp đồng mua bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đến tháng 5/2011, Cty mới nộp tiền mua nhà và chuyển quyền sử dụng đất. Dù nộp chậm, nhưng một điều khó hiểu là vào tháng 3/2011, UBND thành phố có công văn xử lý kiến nghị của Cty này.
Theo đó, UBND thành phố đồng ý hỗ trợ 2 tỷ đồng cho Cty Công nghệ phẩm để giải quyết khó khăn khi thu hồi nhà đất thuộc công sản nhà nước; giải quyết quyền sử dụng đất 10.000m2 tại mặt tiền Quốc lộ 1A khu vực hòa Hòa Phước (Hòa Vang)… Theo nguồn tin, quá trình bán nhà và chuyển quyền sử dụng lô đất này trên thực tế Phan Văn Anh Vũ đứng sau toàn bộ.
Điểm qua những lô đất, dự án để thấy ở Đà Nẵng, Vũ "nhôm" đã thao túng thị trường bất động sản lớn cỡ nào. Và số tiền mà Vũ "nhôm" có được từ những thương vụ buôn bán, giao dịch dự án, nhà đất công sản chưa được thống kê nhưng chắc chắn rằng đó sẽ là con số "khủng".
Làm rõ ai "chống lưng" cho Vũ "nhôm"
Đại tá Đặng Vân (82 tuổi, nguyên Phó chỉ huy chính trị BCH Quân sự tỉnh Gia Lai), hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên là người đã đặt câu hỏi đối với Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc của ông với câu lạc bộ (ngày 3/1). Vũ "nhôm" bị bắt, ông Vân rất mừng vì pháp luật đã được thực thi, tội phạm không thể chạy trốn.
"Dám nói lên sự thật là bản lĩnh của một đảng viên, một người lính. Nói một lần không nghe, nhưng nói nhiều lần thì phải nghe", ông Vân bộc bạch.
Câu chuyện về Vũ "nhôm" ông Vân đã hỏi nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc mà mới đây nhất là hỏi thẳng Bí thư Đà Nẵng. Vũ "nhôm" thao túng đất đai, chi phối cả lãnh đạo thành phố, ông Vân cho rằng đó là hệ quả của một thời gian dài lãnh đạo thành phố Đà Nẵng không dám lên tiếng, không dũng cảm đấu tranh.
Từ thời ông Trần Văn Minh làm chủ tịch, rồi đến các đời chủ tịch sau đó, theo ông Vân, lãnh đạo thành phố, sở ngành đều không dám lên tiếng vì nể, sợ Vũ "nhôm" vì họ cho rằng có người "chống lưng" phía sau? Theo ông Vân, đến thời ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư, Vũ "nhôm" chơi thân và chi phối lãnh đạo thành phố nên mới có những chuyện động trời mà ông và nhiều người được nghe kể lại. Thời kỳ này, việc tập trung dân chủ của Ban thường vụ đã không được phát huy, tính chiến đấu giảm sút, lãnh đạo thành phố không dám đấu tranh, không dám nói ra những cái xấu, cái sai.
Theo ông Vân, bài học Vũ "nhôm" cũng như bài học đưa "con ông cháu cha" lên làm lãnh đạo không chỉ là bài học Đà Nẵng, mà cho cả nước để đúc rút. Các vấn đề liên quan đến Vũ "nhôm" là biểu hiện của sự xuôi chiều, tính chiến đấu của Đảng cũng như Ban cán sự lãnh đạo thành phố đã giảm.
"Nhiều người nói rằng, bắt rồi nhưng chưa tin là sẽ làm ra, làm đến nơi đến chốn, làm tận cùng. Ai là người "chống lưng" cho Vũ "nhôm" trong cả thời gian dài như vậy? Không dễ gì mà Vũ "nhôm" lũng đoạn như thế. Cái này mới quan trọng, ai sai thì phải nhận và kiểm điểm lại chính mình. Phải trung thực với chính mình, với lương tâm và với nhân dân", ông Vân nói và tin tưởng với sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ đi tận gốc sự việc.
"Nếu Vũ "nhôm" liên quan đến lãnh đạo cấp cao hơn cũng phải làm. Thà một lần đau để lấy lại lòng tin của nhân dân", ông Vân kiến nghị.
Đối với cá nhân là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của thành phố liên quan đến đất đai, dự án của Vũ "nhôm", theo ông Vân cơ quan chức năng phải điều tra làm cho rõ. Ai đã bán đất đai công sản cho Vũ "nhôm" được hưởng lợi cũng phải chỉ ra, xử lý.
"Lâu nay nhắc đến Đà Nẵng toàn thấy ca ngợi là đáng sống. Nhưng thành phố còn nhiều mặt xấu, cần phải nói ra. Nói ra, chỉ ra là để phát triển tốt hơn. Cứ sợ sệt, không dám nói thì sức chiến đấu, đấu tranh với sai trái sẽ không còn", ông Vân nói.
Nguồn: Tiền Phong