Lần này, chưa ai chửi bới rằng cô ấy học dốt, sửa mũi, làm mặt, kéo chân hay độn mông. Nhưng có không ít cư dân mạng cợt nhả làn da nâu và nguồn gốc của H'Hen Niê, trong đó có cả một nhà báo. Trên dòng trạng thái của mình, nhà báo này gọi đùa tên hoa hậu là Cô Hen.
Anh ta nói rằng khi làm người của công chúng, hoa hậu sẽ phải chịu sự châm chọc cũng tương tự như sự nổi tiếng được ban tặng. Rồi anh ta mô tả da của cô là "làn da thâm màu… (từ ngữ thô tục)" và mô tả việc cô đăng quang là "không cần đuôi có thể đàng hoàng vào rừng hú mà không bị kiện bản quyền".
Anh nhắm vào làn da của cô, một phụ nữ dân tộc không thuộc dân tộc Kinh — với sắc da sậm hơn những thí sinh khác đứng cạnh cô trên sân khấu chung kết.
Ám ảnh Á Đông
Hành động của người đàn ông này làm tôi nhớ đến những phụ nữ tôi gặp trong đời. Các cô dùng đủ mọi cách để trắng hơn. Kem trộn ngập tràn nông thôn. Đó là những tuýp kem giá 20.000-50.000 đồng mà các cô bé gái chừng 12 tuổi bắt đầu bôi trát lên mặt, khi họ mới biết rung động và mong chờ sự chú ý của người bạn trai mình mến.
Các em bị cuốn theo những quảng cáo làm trắng 10 phút, làm trắng 2 giờ, trắng không bị đen lại.
Tôi đi khắp miền Tây, đôi lúc giật mình gặp các em gái bị phản ứng da vì xài kem trộn, gương mặt nổi mụn đỏ đầy, lấy khẩu trang che kín mặt khi đến trường cùng bạn bè trung học. Vì đâu các em muốn trắng đến vậy?
Vì đâu những đứa trẻ sớm tủi hổ phải dùng đến những cách đầy nguy cơ nhất để được trắng hơn bất chấp đe dọa sức khỏe và tổn thương da mặt từ sớm. Trên tay các em là những hot girl được tán tụng trên mạng xã hội với làn da trắng xóa được cà bằng mấy lớp chỉnh màu.
Trên TV là những băng quảng cáo phát đi phát lại về da trắng hồng, trắng muốt, trắng dịu, trắng sáng… bên cạnh các cô gái mỉm cười — thành công — có một cuộc đời tươi sáng hơn vì đoạt hoa hậu với làn da trắng và được xã hội tôn vinh. Trong cuộc đời trước mặt, người ta nói về những cô gái tẩy da, phẫu thuật thẩm mỹ, trở thành hoa hậu trắng muốt và sau đó… cưới được chồng đại gia.
Một tương lai hấp dẫn đầy liên quan tới màu sắc da khiến bất cứ đứa bé gái nào cũng tự gieo vào đầu mình ngay từ thuở niên thiếu. Đó là trắng chắc chắn tốt hơn đen. Cái đẹp công nghiệp được thế giới giải trí choàng lên cổ các cô gái Á Đông. Nó làm chính những cô gái với làn da nâu khoẻ mạnh cũng đi tẩy da, làm trắng, tự còng lên cổ mình ước vọng chiếm được ánh nhìn khao khát của người khác phái và được xã hội thừa nhận.
Trên Instagram ở Hàn Quốc, tôi xem thấy những đứa trẻ 7-8 tuổi bắt đầu trở thành người review bình luận mỹ phẩm, trát lên mặt mình thật nhiều lớp dưỡng và làm trắng — một tín hiệu cực đoan về cái đẹp trong suốt đời phụ nữ phải chấp nhận.
Hệ quả cực kỳ dễ thấy là các cô bé gái không có cơ hội chạy theo làn sóng "làm trắng" bị nhấn chìm xuống bằng sự dè bỉu, ái ngại và thất vọng khi không bằng chúng bạn.
Còn những cô gái có điều kiện tự biến mình thành búp bê tốn thật nhiều tiền bạc để chiều chuộng ánh nhìn đầy áp lực của người khác.
Và ác ý rõ ràng hơn là cách những người như nhà báo nói trên nhìn vào tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Họ thậm chí dùng những từ ngữ rất thô tục, vô văn hóa để bình phẩm về làn da của cô. Họ xem phụ nữ như một vật phẩm tình dục.
Hay sự kỳ thị hoa hậu?
Thời đại học, tôi học chung lớp với một người đẹp. Bạn vào học từ năm thứ 3 khi chuyển công tác vào Sài Gòn. Trong một giờ giảng, một giảng viên (là đàn ông) đã nói là có một ai đó là người đẹp nổi tiếng, vô lớp mà chưa chào thầy.
Hoa hậu — người đẹp — họ là sinh vật người, cũng như tôi và 100 đứa bạn cùng lớp thời bấy giờ. Họ lớn lên với thân thể được cha mẹ ban cho (có tuyệt vời hơn đôi chút vì họ có thành tự về nhan sắc).
Nhưng họ cũng đầy cảm xúc, sự bất an khi trưởng thành, tham vọng khi bước vào sự nghiệp (có đứa nào tuổi 19 lại không tham vọng về cuộc đời mình?), sợ hãi khi bị tấn công và gồng mình như một chú sói nhỏ trước những nanh vuốt của đời sống.
Tất cả chúng tôi khi ấy là thanh niên mới lớn, tham vọng làm việc, ước vọng thành đạt, cố gắng làm nhiều hơn để giỏi hơn, nổi tiếng hơn và có con đường thênh thang hơn.
Và cũng vì học chung với một người đẹp, tôi hiểu rằng họ không… nằm ngửa ra mà có danh hiệu. Họ diễn. Tập. Làm việc. Sau đó cũng đến lớp học, bị điểm xấu, đạt điểm tốt, diễn kịch, đi cắm trại cùng bạn bè ngang lứa tuổi. Sau này khi trở thành người viết, tôi rất dè chừng khi bình phẩm một hoa hậu là sửa mũi, sửa mặt, nằm ngửa ăn tiền đại gia, mua giải, bởi tôi là một khán giả chẳng có chút bằng cớ nào về các "tội trạng" đó của họ. Thế nhưng người ta luôn có đủ mọi lý do để kỳ thị và ác miệng với một hoa hậu chỉ vì cô ta lỡ… là hoa hậu.
Họ kỳ thị làn da cô, mũi cô, miệng cô, tóc cô, những câu trả lời ngô nghê hay những ứng xử lóng ngóng của tuổi 19 —20 đầy bỡ ngỡ trước đủ loại sàn diễn và loại người.
Là người nổi tiếng khác với đứa vô danh. Họ được đám đông yêu thích. Và vì thế đám đông có quyền phê bình họ. Nhất là về nhan sắc. Nhưng sự nổi tiếng của cô H'Hen Niê và những cô gái đẹp khác đã xuất hiện với chiếc vương miện trên đầu không nên là lý do để ta sỉ nhục nhân phẩm của họ hay kỳ thị họ như một sinh vật khác chủng loài.
Ta hoàn toàn có thể thất vọng nếu thấy bảng điểm họ học dốt. Ta cũng có thể không vui biết cô đã phẫu thuật quá nhiều để đoạt giải. Ta cũng có thể cười nếu cô trả lời ứng xử quá kỳ quặc và thiếu kiến thức. Chuyện đó hoàn toàn dễ hiểu khi làm khán giả.
Nhưng chuyện ta kết tội một người đẹp là ngủ với ai đó để mua giải, hay cười chê làn da của cô ấy chỉ là một cách chứng tỏ đầy ác ý với nhân phẩm của phụ nữ. Màu da là một đặc tính tự nhiên cô sinh ra được hưởng từ gia đình và dân tộc, một khác biệt gần như không khiến cô xấu đẹp hơn ai, trong đêm diễn chung kết đó.
Một phụ nữ dù đeo vương miện, cũng vẫn là phụ nữ. Một nhà báo, dù trên mạng xã hội, vẫn là nhà báo.
Cái cách đàn ông cợt nhả màu da nâu của một cô gái Á Đông trên thực tế chỉ thể hiện quan niệm đầy kỳ thị, phân biệt giới tính về phụ nữ, coi phụ nữ chỉ là công cụ tình dục da trắng mà thôi.
Theo: Zing