Trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2018 vào ngày 4-1 vừa qua, Bộ Công Thương chỉ nêu các mức điều chỉnh đối với xăng E5 và các loại dầu, không đề cập đến xăng A95.
Tuy nhiên, ngay sau đó các doanh nghiệp (DN) tự tăng giá xăng A95 thêm từ 780 đến trên 810 mỗi lít. Sau lần điều chỉnh này, hiện giá xăng A95 đang đắt hơn E5 1.800-2.000 đồng/lít.
"Không tăng chúng tôi lỗ"
Đại diện một công ty đầu mối xăng dầu tại TP.HCM giải thích sở dĩ giá xăng A95 tăng mạnh trong mấy ngày qua một phần là do giá thế giới tăng; một phần nhằm tạo chênh lệch lớn với xăng E5 để thu hút người tiêu dùng sử dụng loại xăng này.
Đặc biệt xăng A95 là mặt hàng cao cấp, trước nay giá mặt hàng này do DN tự quyết định chứ không thuộc diện phải công bố giá cơ sở phục vụ điều hành giá bán lẻ tại thị trường nội địa. "Giá thế giới tăng mà trong nước không tăng thì chúng tôi lỗ" — vị đại diện công ty trên nói thêm.
Trước câu hỏi xăng E5 chưa tạo được niềm tin về chất lượng nên người tiêu dùng chủ yếu mua A95, trong khi các DN dồn dập tăng giá A95 có phải là ép khách hàng? Các DN khẳng định giá xăng A95 phải tăng tương ứng với giá thế giới chứ không có chuyện "ép người mua".
Cụ thể trong kỳ điều hành ngày 4-1 vừa qua, với đà tăng của giá thế giới, nếu cơ quan điều hành không cho xả quỹ bình ổn đối với xăng E5 thì giá xăng này sẽ tăng hơn 850 đồng/lít. Còn xăng A95 do không sử dụng quỹ bình ổn nên phải tăng giá hơn 850 đồng/lít. Không có chuyện tăng giá vô tội vạ.
Hơn nữa, hiện nay xăng dầu phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn mới được lưu thông trên thị trường nên người tiêu dùng không nên quá lo lắng. "Nếu ai không tin chất lượng xăng E5 có thể đến Quảng Ngãi. Địa phương này đã cung cấp xăng E5 ra thị trường từ tháng 8-2014 đến nay chưa có trường hợp nào phản ảnh về chất lượng xăng E5" — ông Trần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, khẳng định.
Chưa công bố giá cơ sở xăng A95 vì chưa phổ biến
Liệu giá xăng A95 có đang tăng vô tội vạ, người tiêu dùng lãnh đủ? Tại sao liên bộ Công Thương — Tài chính không công bố giá của xăng A95?… Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, một thành viên tổ điều hành giá xăng dầu liên bộ Công Thương — Tài chính cho biết Thông tư liên tịch số 39/2014 của Bộ Tài chính — Công Thương quy định về phương pháp tính giá cơ sở… hướng dẫn rõ: "Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước".
Tiêu dùng phổ biến trên thị trường ở đây bao hàm ý nghĩa phục vụ cho đa số các đối tượng, phương tiện sử dụng, tuy nhiên có tính đến sản lượng tiêu thụ. Mặc dù trước đây người tiêu dùng sử dụng hai mặt hàng xăng A92 và xăng A95 nhưng do mặt hàng xăng A92 phù hợp cho đa số phương tiện có động cơ đời cũ hiện hữu trên thị trường nên là mặt hàng tiêu dùng phổ biến trên thị trường. Do vậy A92 được xác định để tính toán, công bố giá cơ sở phục vụ điều hành giá bán lẻ.
Từ ngày 1-1-2018, thị trường ngừng kinh doanh xăng A92 để chuyển hoàn toàn sang kinh doanh xăng E5 và xăng A95 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đối với xăng E5, về bản chất vẫn là xăng A92 và có thêm thêm 5% etanol E100 (chất phụ gia). Lượng etanol này ngoài việc được coi như là một thành phần nhiên liệu còn đóng vai trò chất phụ gia tăng chỉ số RON của sản phẩm xăng E5.
Như vậy, xăng E5 có đặc tính tương tự như xăng A92, phù hợp cho hầu hết các loại xe máy, ô tô hiện nay có động cơ đời cũ hiện hữu trên thị trường, là mặt hàng tiêu dùng phổ biến trên thị trường. Do đó liên bộ tiếp tục tính toán, công bố giá cơ sở mặt hàng xăng E5 và chưa tính toán, công bố giá cơ sở mặt hàng xăng A95 như trước đây. Tuy nhiên điều này không có nghĩa liên bộ không giám sát, quản lý mà mỗi lần DN điều chỉnh giá đều phải gửi báo cáo về Bộ để giám sát.
"Trong thời gian tới, trong trường hợp khi lượng phương tiện sử dụng xăng A95 tiêu chuẩn Euro 3, Euro 4 tăng lên, kéo theo nhiều người tiêu dùng sử dụng chủng loại xăng này, liên bộ sẽ báo cáo Chính phủ về việc tính toán công bố giá cơ sở mặt hàng xăng A95" — đại diện thành viên tổ điều hành giá xăng dầu liên bộ Công Thương — Tài chính cho biết.
Cần minh bạch, công khai
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chưa hoàn toàn tán đồng với quan điểm trên. Bởi lẽ từ ngày 1-1-2018 trên thị trường chỉ còn E5 và A95. Do vậy mức giá A95 nên được thông tin đầy đủ nếu có điều chỉnh để dân giám sát, so sánh nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai. Nếu không công bố chẳng khác nào ép người tiêu dùng tiêu thụ xăng E5, để cứu các nhà máy sản xuất ethanol đang đắp chiếu, thua lỗ.
Đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn còn lo lắng về chất lượng xăng E5 và thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh thực sự thì việc thả nổi giá xăng A95 để DN xăng dầu tự quyết là chưa phù hợp. Hơn nữa, nếu muốn khuyến khích dùng xăng E5 có thể thực hiện bằng nhiều cách chứ không phải chỉ có cách hạn chế sự chọn lựa của khách hàng theo kiểu không mua E5 thì phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua xăng A95. Đặt người tiêu dùng vào trạng thái như "gạo đã nấu thành cơm" dù ấm ức là thiếu sòng phẳng.
Theo TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định có rất nhiều mặt hàng xăng dầu phải công bố giá; đối với những mặt hàng chưa sử dụng phổ biến thì sẽ công bố giá ở thời điểm thích hợp.
"Theo quy định, xăng dầu là hàng hóa thuộc Nhà nước quản lý, định giá. Tất nhiên trong đó có cả xăng A95. Trước đây xăng A92 chiếm tỉ trọng 70% thị trường, bây giờ loại xăng này không còn và chỉ còn A95 và E5. Điều này có nghĩa đây là thời điểm thích hợp để Nhà nước công bố giá trần A95 trong các kỳ điều hành để người tiêu dùng giám sát" — ông Long đề nghị.
Nguồn: plo