Lịch sử ngành tư pháp chưa khi nào có một phiên tòa đặc biệt như thế. Lịch sử Đảng chưa khi nào mất một cán bộ đau xót như thế. Lần đầu tiên, một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim ủy viên Trung ương bị bắt giam để điều tra, truy tố vì gây hậu quả nghiệm trọng trong quản lý, điều hành.
Vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm. Các bị can trong vụ án hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong những đơn vị kinh tế quan trọng, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn và thực hiện những dự án, công trình lớn của quốc gia trong đó có Dự án NMNĐ Thái Bình 2. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án nêu trên, vì những động cơ khác nhau mà các bị can đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế cho Nhà nước, thậm chí một số bị can còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lập chứng từ khống rút tiền của Dự án để ăn chia, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Hành vi này của các bị can đã gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân, cần được xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, được xác định là người có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC đối với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (ở tỉnh Thái Bình) do PVN làm chủ đầu tư.
Ông Đinh La Thăng đã đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng Công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho PVC hoạt động như bố trí việc làm, tạo nguồn vốn…, kể cả việc chấp thuận miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng đối với các công trình, dự án được Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện.
Năm 2010, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, thoái vốn của PVN, ông Đinh La Thăng chỉ đạo PVC phải nhận lại các khoản đầu tư từ các đơn vị của PVN, trong đó hầu hết là các khoản đầu tư tại các dự án đang gặp khó khăn về tài chính, dừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, kinh doanh thua lỗ… làm cho PVC tiếp tục bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng, thiếu vốn hoạt động và trả nợ gốc, nợ lãi ngân hàng.
Tháng 4-2010, ông Thăng đã thay mặt HĐQT PVN ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu và được đồng ý.
Ông Đinh La Thăng cũng bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33 không đúng quy định của pháp luật, có nhiều nội dung không có thật.
Cùng với việc quyết định các chủ trương trên, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6.6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỉ đồng.
Với tội "Tham ô tài sản", bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, bị cáo buộc đã đề ra chủ trương cùng một số cán bộ cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỉ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng — Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân, trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng.
Theo khung hình phạt hiện hành, với tội danh trên, bị cáo Đinh La Thăng có thể đối mặt với khung hình phạt 10 — 20 năm tù, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có thể đối mặt từ 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Đã có khoảng 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Bị cáo Đinh La Thăng có 3 luật sư, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có 6 luật sư bào chữa.
Không nghi ngờ gì nữa, vụ án này là một trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội Việt Nam quan tâm nhiều nhất thời gian gần đây. Song, những gì đang xảy ra là khá tự nhiên và hợp quy luật. Đó là ý kiến của GS. Vladimir Kolotov, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông thuộc trường Đại học Quốc gia St.Petersburg.
"Trong nhiều năm liền, một số cán bộ cao cấp phụ trách quản lý điều hành kinh tế Việt Nam không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Ví dụ, hoạt động không hiệu quả của một phần khối kinh tế đã dẫn tới thiên tai, ô nhiễm nước và đất ở miền Trung Việt Nam. Tình huống đó đã gây ra sự căng thẳng xã hội nhất định trong nước. Bây giờ đã đến lúc để đánh giá những gì đã xảy ra và sửa chữa những sai lầm. Công việc này nên được thực hiện dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, để giải đáp nhiều câu hỏi của người dân. Đây là những gì các nhà chức trách đang làm. Đại đa số người dân tán thành và ủng hộ hoạt động này và chú ý theo dõi phiên tòa xét xử. Để có bản án công bằng và thích đáng, cần phải xác định hành vi phạm tội của từng bị can, cần phải kiểm tra nhiều chi tiết, đây là những gì mà tòa án đang làm."
"Tôi không đồng ý với quan điểm của một số phương tiện truyền thông phương Tây quả quyết rằng, đây chỉ là đấu đá nội bộ trong đảng. Rõ ràng, các tập đoàn nhà nước lớn nhất ở Việt Nam có vấn đề với việc quản lý hiệu quả, điều này thấy được rõ bởi vì hoạt động của những nhà quản lý hàng đầu trong các doanh nghiệp này đã gây thiệt hại rất lớn cho Nhà nước. Một số nhân vật chạy trốn ra phương Tây với số tiền bị cướp để sống thoải mái ở đó, và phương Tây giúp họ thoát khỏi trách nhiệm pháp lý. Nhưng, ban lãnh đạo Việt Nam giữ lập trường nguyên tắc, đưa họ về nước, để họ đứng trước vành móng ngựa."
"Toàn thế giới đang vấp phải vấn đề rửa tiền. Vấn đề này liên quan đến việc tài trợ khủng bố và giao dịch bất hợp pháp. Đây là lý do tại sao trên toàn thế giới việc thanh toán không dùng tiền mặt có xu hướng gia tăng, đang mở rộng cuộc đấu tranh chống các ngân hàng dính líu đến các vụ rửa tiền quốc tế. Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Nếu không thực hiện hoạt động này, các doanh nghiệp sẽ cố gắng trốn nghĩa vụ nộp thuế, sẽ không có đủ tiền cho quân đội, cho các nhân viên nhà nước, cho các chương trình xã hội. Các nhà chức trách Việt Nam đang hành động công khai và minh bạch để nhân dân dễ biết và dễ hiểu, vì thế tôi không thấy bất kỳ bằng chứng cho "thuyết âm mưu". Các nhà quản lý không hiệu quả đã gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hàng tỷ đô la. Và Nhà nước, với tư cách là người chủ biết căn cơ, tìm cách bảo vệ tài sản của mình đang bị cướp bóc."
"Tôi nghĩ rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đấu tranh chống các nhà quản lý không hiệu quả và các quan chức tham nhũng. Một bằng chứng gần đây nhất là việc Vũ "nhôm" bị bắt giữ tại Singapore. Theo quan điểm của tôi, lập trường nguyên tắc và rõ ràng của Việt Nam săn lùng quan tham trốn ra nước ngoài đã nâng cao uy tín của Việt Nam. Nhớ đến vụ việc tại Đức, Singapore ngay lập tức đưa Vũ "nhôm" về nước."
"Phiên xét xử này là lời cảnh báo nghiêm trọng dành cho tất cả các giám đốc điều hành, tất cả các nhà quản lý hàng đầu, — Giáo sư Kolotov kết luận. Các bị can trong vụ án đã thừa nhận rằng, do hoạt động quản lý không hiệu quả của họ Nhà nước đã bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Bây giờ khi cân bằng quyền lực trong ban lãnh đạo của đất nước đã thay đổi, có thể tiến hành các cuộc điều tra tương tự về tham nhũng và quản lý không hiệu quả, và hoạt động này chắc chắn sẽ tiếp tục".
Bài viết có tham khảo tư liệu từ VOV, Báo Nông nghiệp, VTCNews, Báo Thanh Niên, Công An Nhân Dân