Bị cáo Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN, là người đầu tiên tự bào chữa, luôn khẳng định bản thân luôn tuân thủ nghị quyết của Hội đồng thành viên, làm việc có trách nhiệm, mọi chỉ đạo công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Về cáo buộc cố ý chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định, bị cáo Thực cho rằng mình không chỉ đạo PVPower và PVC ký hợp đồng thiếu căn cứ pháp lý. Bị cáo Thực nói thêm, quá trình thực hiện, có nhiều văn bản về hợp đồng bản thân bị cáo không nhận được, mong Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét lại quy kết cáo buộc bị cáo cố ý làm trái quy định Nhà nước.
Bị cáo Thực bày tỏ băn khoăn là khi cơ quan điều tra trong kết luận khẳng định mình khai báo thành khẩn, song khi ra tòa, lại bị quy kết thiếu thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới.
"Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét toàn diện vụ việc, cá thể hóa hành vi từng cá nhân để có hình phạt phù hợp", — bị cáo Thực đề nghị.
Nói lời cuối trong phần tự bào chữa, bị cáo Phùng Đình Thực kể lại quá trình cống hiến cho ngành dầu khí sau nhiều năm, đạt được nhiều thành tích.
"Khi nghe bản luận tội của Viện kiểm sát với mức án 12 — 13 năm tù, bị cáo đã khóc và rất hối hận, vì không ngờ mức án lại nặng đến như vậy", — bị cáo này nói.
Người thứ 2 được gọi lên trình bày phần tự bào chữa là bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN. Bị cáo Khánh nói trong quá trình điều tra, bản thân luôn thành khẩn khai báo, giao nộp nhiều tài liệu giúp cơ quan chức năng kết thúc điều tra sớm vụ án và mong Hội đồng xét xử ghi nhận việc này. Bị cáo Khánh thể hiện thành khẩn nhận trách nhiệm của mình, dù sai phạm do cấp dưới gây ra.
Bị cáo này còn nói trong quá trình bị giam giữ, bản thân ân hận nên nhờ luật sư làm việc với gia đình để nộp 2 tỉ đồng, dù chưa biết trách nhiệm hình sự, dân sự trong vụ việc đến đâu.
"Bị cáo mong Hội đồng xét xử dành cho bị cáo sự khoan hồng, độ lượng, giúp cho bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời", — bị cáo Khánh nói trước toà.
Nguồn: Thanh Niên