Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định như vậy khi được hỏi về trách nhiệm đối với BOT Cai Lậy — dự án do chính ông đặt bút kí các phương án đầu tư.
Hiện 107 đoàn thanh tra, kiểm tra đã vào cuộc kiểm tra các dự án BOT để đảm bảo không có tham nhũng, tư túi. Nếu cá nhân nào có liên quan đến việc tham nhũng sẽ bị xử lý nghiêm minh. Các cơ quan sẽ tiến hành kiểm tra và công khai chi phí đầu tư đầu vào tại các dự án và xem xét liệu đầu ra có thu lạm của dân hay không.
Liên quan đến dư luận về việc Bộ trưởng Thể kí một số văn bản liên quan đến đầu tư BOT Cai Lậy nhưng chưa thông qua địa phương, vị Bộ trưởng cho biết xuyên suốt từ khâu lập dự án, mỗi một lần họp điểu chỉnh dư án hay thông qua quy mô kỹ thuật đều có đại diện địa phương, có khi là Phó Chủ tịch tỉnh, có khi là Giám đốc Sở Giao thông vận tải phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải.
"Nếu nói địa phương không biết, không biết sao làm được. Đây là một sự phối hợp giữa các ban ngành địa phương. Không có chuyện Bộ Giao thông làm mà không ai biết", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.
"Nếu cơ cơ quan đơn vị nào làm sai chủ trương trong giai đoạn đang tiến hành thì cơ quan, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm. Còn cơ quan đó bám vào chủ trương đó đúng nhưng thời điểm hiện tại chủ trương đã khác sẽ không thể hồi tố", Bộ trưởng Thể nói.
Ông nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi làm sai chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm, nhưng chúng tôi làm sai tại thời điểm lịch sử sẽ để các cơ quan chức năng phán xét".
Vị Bộ trưởng cũng cho rằng nói các trạm BOT đặt nhầm chỗ là chưa chính xác. Theo người đứng đầu ngành GTVT, nên dùng là trạm BOT đặt chưa hợp lý. Theo lý giải của ông Thể, tại thời điểm đặt trạm đúng với chủ trương chính sách, tuy nhiên, khi chính sách thay đổi, vị trí đặt trạm đó không còn hợp lý. Ngay từ khi bắt đầu trạm BOT không cố tình đặt sai.
"Sau trạm BOT Cai Lậy, rất nhiều trạm BOT khác cũng đề xuất di dời. Nhưng mỗi trạm BOT có một chức năng khác nhau. Cai Lậy vừa giải quyết vấn đề giao thông vận tải, vừa có nhiệm vụ phát triển đô thị", Bộ trưởng chia sẻ thêm.
Bộ GTVT cho biết mỗi ngày có 26.000 lượt xe qua lại trạm BOT Cai Lậy. Chỉ cần mỗi xe dừng khoảng 5 phút sẽ dẫn đến tắc đường. Khi đó cả xe tang, xe cứu thương cũng không thể qua được. Vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu xả trạm khi ùn tắc.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết tại 56 trạm do Bộ quản lý, Bộ đã tiến hành rà soát, giảm giá phí cho người dân tại 51 trạm BOT.
Bên cạnh đó, đến năm 2019, Bộ sẽ tiến hành thu phí tự động tại tất cả các trạm BOT trên cả nước. Dự kiến, sau mỗi trạm BOT sẽ lắp đặt thiết bị để người dân có thể dễ dàng theo dõi số lượng xe, số tiền thu được mỗi ngày. Tổng cục đường Bộ cũng sẽ tiến hành thu thập thông tin từ tất cả các trạm BOT trên cả nước. "Việc giám sát này sẽ được thực hiện bởi cả cộng đồng. Công nghệ cho việc lắp đặt hệ thông giám sát đều được nhập ngoại", Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Nguồn: Infonet