Mới đây, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong lời nói sau cùng có đề nghị HĐXX, sau khi kết thúc vụ án, cho phép bị cáo được sang Đức để được ở gần vợ con rồi về thụ án.
Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Vũ Quang Bá (Công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhấn mạnh:
Theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự, khi bản án sơ thẩm không có kháng cáo hoặc kháng nghị, bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành, nếu Trịnh Xuân Thanh bị tuyên hình phạt tù có thời hạn hoặc chung thân thì sẽ phải chấp hành án tại trại giam và chịu sự quản lý giam giữ của trại giam theo quy định Luật thi hành án hình sự.
"Do đó, nguyện vọng được sang Đức thăm vợ, con của ông Thanh sẽ không có cơ sở để được chấp thuận", Luật sư Bá khẳng định.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh không thể sang Đức sau khi kết thúc vụ án. Tuy nhiên, nếu Trịnh Xuân Thanh muốn gặp vợ con thì vẫn còn một cách, đó là sau khi kết thúc vụ án, vợ và con của Trịnh Xuân Thanh có thể về Việt Nam, vào thăm Trịnh Xuân Thanh trong trại giam.
Về vấn đề này, Luật sư Vũ Quang Bá cho biết, theo quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, quà và liên lạc điện thoại với thân nhân, phạm nhân được gặp thân nhân một lần trong một tháng hoặc 2 lần trong một tháng (nếu phạm nhân được khen thưởng), mỗi lần gặp không quá 01 giờ.
Trong trường hợp phạm nhân chấp hành tốt nội quy trại giam, tích cực học tập, lao động thì tùy từng trường hợp có thể được cho phép kéo dài thời gian nhưng không quá 03 giờ.
Ngoài ra, phạm nhân chấp hành tốt Nội quy trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ ở phòng riêng trong nhà thăm gặp không quá 24 giờ.
''Bên cạnh việc phạm nhân được gặp thân nhân trực tiếp thì phạm nhân có thể được liên lạc điện thoại trong nước với thân nhân mỗi tháng một lần, mỗi lần không quá 5 phút. Tuy nhiên, cần lưu ý hiện nay luật nghiêm cấm phạm nhân liên lạc điện thoại ra nước ngoài cho thân nhân'', Luật sư Bá lưu ý.
Mong sang Đức chăm sóc vợ con
Sáng 17/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã nói lời sau cùng tại tòa.
Cho rằng bị truy tố tội tham ô nên đối mặt với mức án rất nặng, Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX xem xét chứng cứ rõ ràng để không suy đoán, suy luận thiếu căn cứ. Thẩm phán ngay lập tức ngắt lời nhắc bị cáo cần nhớ đây là phần nói lời sau cùng chứ không phải bào chữa. Tuy nhiên, bị cáo Thanh đáp "đây chính là những lời nói sau cùng" và tiếp tục xin HĐXX cân nhắc về các sai phạm bị cáo buộc của mình.
Mong được chuyển lời xin lỗi đến nhiều người, Trịnh Xuân Thanh trầm giọng trình bày: "Hai năm vừa rồi bị cáo vướng nhiều vụ (như đi ôtô biển xanh giả). Bị cáo rất ân hận, nhiều đêm không ngủ. Dù bị dư luận không tốt nhưng nhiều điều cũng không muốn nói ra".
Sau nhiều ý trình bày, Trịnh Xuân Thanh nói vợ cùng hai con, bé út 6 tuổi, đang sống ở Đức. Thương vợ chăm con trong hoàn cảnh vất vả, bị cáo mong HĐXX sau khi kết thúc vụ án cho "sang bên đó để có điều kiện chăm sóc con".
"Bị cáo rất hối hận, muốn gửi lời xin lỗi tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rất mong bác tha thứ", Trịnh Xuân Thanh nói trong nước mắt.
Trước đó, đại diện Viện KSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa đã luận tội, đề nghị mức án đối bị cáo Trịnh Xuân Thanh: Từ 13-14 năm tù về tội cố ý làm trái; tù chung thân về tội tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt chung với bị cáo Thanh là tù chung thân.
Theo đại diện Viện kiểm sát, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị xét xử ở 2 hành vi, bị cáo Thanh không thừa nhận chỉ đạo và chiếm đoạt tiền của PVC nhưng những tài liệu thu thập được cho thấy việc truy tố và xét xử bị cáo Thanh tội Cố ý làm trái là đúng người đúng tội.
Đối với tội tham ô tài sản, PVC đã cấu kết với doanh nghiệp bên ngoài rút tiền tiêu xài. Hậu quả vụ án đặc biệt nghiêm trọng khiến thời gian thi công dự án kéo dài gấp đôi thời gian, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế.
Nguồn: baodatviet.vn