Theo Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu nhằm phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững; có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế. Phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Vùng TP.HCM gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa — Vũng Tàu. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404km2.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, vùng TP.HCM là vùng kinh tế đặc biệt của Việt Nam vì có vị thế thuận lợi, đó là có "3 cửa sổ" nhìn ra thế giới. Một là cửa sổ về đường bộ, hai là đường hàng không và thứ ba là cảng biển. Đó chính là thế mạnh, vùng tụ hội đầy đủ yêu cầu phát triển đối với việc hòa nhập và phát triển thế giới.Trong đó, TP.HCM là đầu tàu, hạt nhân của vùng.
Tuy nhiên, theo ông Chính để phát huy được hết tiềm năng lợi thế đó, Bộ Xây dựng nhanh chóng nghiên cứu trình Thủ tướng để có có đường cao tốc nối từ Biên Hòa xuống cảng Cái Mép — Thị Vải; nhanh chóng thiết kế đường sắt để chuyên chở hàng hóa trong vùng; xây dựng cơ chế quản lý cấp vùng nhằm điều tiết mối liên kết vùng cho thuận tiện.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM không chỉ đáp ứng mong muốn của thành phố là vùng kinh tế trọng điểm mà còn là sự kết nối chặt chẽ giữa các tỉnh, thành. Qua kế hoạch tổng thể xác định được thế mạnh của từng địa phương, từng khu vực và vai trò trung tâm của TP.HCM để 8 địa phương trong vùng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững; chia sẻ những khó khăn, thách thức và gắn kết trong việc phân bố các vùng, nhằm phát huy được tiềm năng thế mạnh của từng tỉnh.
Chính phủ cũng chỉ đạo thành lập Ban Quản lý phát triển vùng trực thuộc Chính phủ. Ban quản lý này là cơ quan tư vấn, giúp Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển vùng TP.HCM. Đồng thời tổ chức, phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và các địa phương trong vùng để triển khai thực hiện quy hoạch.
"Các địa phương trong vùng phát triển các vùng công nghiệp tập trung phải theo hướng công nghiệp sạch và ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, hình thành các trục hành lang phát triển kinh tế; tập trung kiểm soát quy mô dân số theo từng địa phương phù hợp với định hướng phát triển của vùng và đảm bảo phát triển bền vững…", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh.
Nguồn: baohaiquan