4 năm vẫn loay hoay quản Uber, Grab

© Ảnh : Quỳnh Trang/ZingHà Nội là địa phương nằm trong đề án thí điểm của Uber, Grab.
Hà Nội là địa phương nằm trong đề án thí điểm của Uber, Grab. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Các doanh nghiệp taxi "tố" Uber và Grab đang vi phạm nhiều quy định về vận tải hành khách và Bộ Giao thông Vận tải không quản lý được taxi công nghệ dẫn đến cạnh tranh bất bình đẳng

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện cả nước có đến hơn 50.000 xe được cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ (tức là xe chạy cho Grab, Uber). Sự phát triển ồ ạt của loại hình này đã khiến taxi truyền thống ngày càng "teo tóp", khi Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì 25.000 taxi như 5 năm trước.

Gây nhiều hệ lụy

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới đều xem loại hình kinh doanh như Uber, Grab là kinh doanh taxi. Đặc biệt ngày 20-12-2017, Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) đã đưa ra phán quyết xem Uber là công ty vận tải. Vậy nên, Uber phải tuân thủ các quy định trong ngành vận tải.

Ông Hùng cũng nêu tại Văn bản số 9299/BCT-PC ngày 7-10-2017, Bộ Công Thương cũng coi loại hình này là vận tải như taxi và đề nghị phải quản lý như taxi. Ngoài ra, các sở giao thông vận tải (GTVT) tại các địa phương thí điểm Uber, Grab cũng khẳng định tương tự. Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn coi đây là loại hình "xe hợp đồng", dù Uber cũng tính tiền như taxi. "Chính vì việc chưa định danh được loại hình vận tải đã tạo ra những bất bình đẳng và gây ra rất nhiều hệ lụy cho thị trường vận tải" — ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài ra, chủ tịch Hiệp hội Taxi cũng cho biết Bộ GTVT đang coi Uber, Grab là các công ty cung cấp dịch vụ phần mềm. Vì vậy, trong suốt thời gian qua, Grab đã kê khai doanh thu là "phí sử dụng phần mềm kết nối" không phải chịu thuế GTGT, gây thất thu cho ngân sách.

"Tôi không hiểu tại sao Bộ GTVT vẫn xếp Uber, Grab vào loại hình kinh doanh xe hợp đồng. Có thể nói, ngoài Bộ GTVT ra, hiện nay tất cả các ngành chức năng khác và cả xã hội đều coi đó là taxi" — ông Hùng bày tỏ.

Ông Trương Đình Quý, Phó Tổng giám đốc Vinasun, cho biết trong 3 năm (từ 2014-2016), Grab chỉ nộp thuế hơn 9 tỉ đồng trong khi Vinasun nộp 1.200 tỉ đồng. "Nếu chúng tôi mỗi ngày được giảm 1 tỉ đồng tiền thuế thì giá taxi sẽ khác hẳn. Những quy định không rõ ràng khiến Grab, Uber né được 13 điều kiện kinh doanh như taxi và hàng loạt vấn đề quản lý khác" — ông Quý khẳng định.

Ông Quý nhấn mạnh trên thế giới không có nước nào gọi Grab, Uber là xe hợp đồng điện tử. Hợp đồng điện tử là phương thức giao tiếp, không phải hoạt động kinh doanh. Grab và Uber đang gây ra sự hỗn loạn và lũng đoạn thị trường taxi tại Việt Nam, đẩy các hãng taxi truyền thống đứng trước bờ vực phá sản.

Phát triển ồ ạt, báo lỗ 938 tỉ đồng

Theo ông Nguyễn Công Hùng, dù Bộ GTVT không cho phép dịch vụ Grabshare nhưng Grab vẫn triển khai. Hay Quyết định số 24/QĐ-BGTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, chỉ cho phép được thí điểm tại 5 địa phương: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Thế nhưng, hiện nay Grab đang hoạt động ở rất nhiều địa phương khác trong cả nước. "Như vậy, Grabtaxi đã coi thường pháp luật Việt Nam và coi thường chỉ đạo của Bộ GTVT, điều này gây nên sự bất bình đẳng, đồng thời tạo nên tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác" — ông Hùng nói.

Đối với Uber, ông Hùng cho biết hãng này hoạt động tại Hà Nội từ 2014 nhưng đến ngày 5-4-2017 Bộ GTVT mới cho phép. Uber sử dụng phương tiện không có phù hiệu hoặc phù hiệu giả để kinh doanh, tài xế không đủ điều kiện kinh doanh; hoạt động trái phép gây ra bất bình đẳng tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng.

Hiện nay, số lượng xe của Uber và Grab gấp 2,7 lần số lượng taxi của cả Hà Nội và TP HCM nhưng tiền nộp ngân sách chỉ bằng 1/5 của Vinasun. "Uber, Grab đã liên tục đưa ra các chương trình cạnh tranh trái luật nhằm triệt tiêu taxi truyền thống, tiến tới độc quyền. Trong 3 năm từ 2014-2016, Grab báo lỗ 938 tỉ đồng" — ông Hùng cung cấp số liệu.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo các địa phương dừng ngay việc gia tăng các phương tiện tham gia thí điểm. Đề nghị Bộ GTVT xử phạt các vi phạm của Uber, Grab.

"Trường hợp các doanh nghiệp này cố tình không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì đề nghị bộ kiên quyết thu hồi giấy phép hoạt động để bảo đảm kỷ cương" — ông Hùng nói.

Nguồn: nld

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала