Ngôi nhà gỗ của ông Quang được xây dựng, đưa vào sử dụng cách đây vài năm. Nhà nằm bên kênh chính Tây, cánh cổng gỗ bề thế được khóa kín, xung quanh là tường cao bao bọc.
Đoạn đường từ nhà ông Quang đổ ra tỉnh lộ 1 dài khoảng 500m được tráng bêtông sạch sẽ, trong khi nhiều kilomet từ nhà ông Quang vào xã Ea Bung (Ea Súp) vẫn là đường đất, bụi mịt mờ.
Theo một cán bộ ở thị trấn Ea Súp, khu vực đất dọc theo kênh chính Tây hiện đã được ông Quang chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang thổ cư và đã nộp tiền thuế sử dụng đất.
"Tuy nhiên hồ sơ cụ thể như thế nào nằm ở Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Ea Súp, chúng tôi sẽ cập nhật và thông tin sau. Còn cây xăng Phương Bông thuộc sở hữu của gia đình ông Quang, đất thuê 50 năm" — cán bộ này nói.
Đối với các lô đất trên đường Lạc Long Quân, cán bộ thị trấn Ea Súp nói hồ sơ cụ thể cần kiểm tra thêm, tuy nhiên được biết các lô đất này thuộc sở hữu của bố mẹ ông Quang, đã có từ lâu.
"Vốn để làm đường nông thôn mới do UBND xã Ea Bung làm chủ đầu tư. Huyện quyết định bắt đầu làm từ đoạn đầu (từ tỉnh lộ 1) vào xã để liền mạch.
"Làm đến vừa qua cổng nhà ông Quang thì hết vốn nên tạm dừng, khi nào có vốn thì tiếp tục đầu tư. Không phải vì ưu ái ông Quang nên mới làm đường bêtông đến trước cổng rồi dừng" — vị này giải thích.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Quang thừa nhận mình sở hữu nhiều nhà đất trong đó có "biệt phủ gỗ khủng" bên kênh chính Tây và tòa nhà rất lớn ở cổng chợ huyện Ea Súp, dãy nhà (và đất) cho thuê trên đường Lạc Long Quân (nối tỉnh lộ 1 vào Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp) và cây xăng Phương Bông gần bến xe Ea Súp.
Những bất động sản kể trên đều nằm ở trung tâm thị trấn Ea Súp, có giá trị nhiều tỉ đồng.
Ông Quang khẳng định đất đai, nhà cửa ở những địa điểm trên là thuộc sở hữu của ông, có giấy tờ từ lâu, "báo chí, dư luận quan tâm làm gì"…
Nguồn: Tuổi Trẻ