Đủ căn cứ xác định bị cáo Trịnh Xuân Thanh tham ô tài sản
Theo đại diện VKS, có đủ căn cứ xác định các bị cáo trong vụ án đã tham ô tài sản.
Cụ thể, quá trình điều tra vụ án và xét hỏi tại phiên tòa đã làm rõ, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và Trịnh Xuân Thanh lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình tại PVPLand để ký hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đặt cọc, nhằm chiếm đoạt 87 tỷ đồng, thực chất đã chiếm đoạn 49 tỷ đồng.
Đại diện VKS cho rằng, trong phần tranh luận, các luật sư của Trịnh Xuân Thanh đưa ra lập luận và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội tham ô tài sản nhưng, theo đại diện VKS, căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa, Trịnh Xuân Thanh có vai trò chỉ đạo, quyết định chuyển nhượng cổ phần với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thực tế, tại ra chênh lệch giá, nhằm chiếm đoạt số tiền trị giá 87 tỷ đồng.
Thực tế các bị cáo đã chiếm được, chia nhau số tiền 49 tỷ đồng, trong đó, bị cáo Thanh được chia 14 tỷ đồng.
Vị đại diện VKS nêu rõ, căn cứ vào các quy chế của Tổng công ty PVC, HĐQT, các lời khai tại phiên tòa thì trong việc chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần tại PVPLand phải báo cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Thanh là người quyết định.
Bị cáo Thanh sau đó nói bị cáo Thắng chuyển tiền cho lái xe của bị cáo. Bị cáo Thắng sau đó đã yêu cầu lái xe của bị cáo chuyển một vali, loại có bánh xe kéo cho lái xe Thanh.
Tại cơ quan điều tra, phiên tòa, lời khai của các bị cáo Thái Kiều Hương, Đinh Mạnh Thắng và người làm chứng đã khai nhận việc chuyển tiền cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng khai nhận có nhận được một vali tiền từ lái xe của bị cáo Thắng chuyển cho lái xe của bị cáo Thanh nhưng khi mở ra không kiểm đếm mà đã gọi điện cho bị cáo Thắng.
"Từ các cơ sở nêu trên, có đủ cơ sở xác định Trịnh Xuân Thanh là người đã chỉ đạo, quyết định việc chuyển nhượng 12 triệu cổ phần của PVPLand với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 thấp hơn giá hợp đồng là 52 triệu đồng và chiếm đoạt 14 tỷ đồng. VKSND TC truy tố bị cáo Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô tài sản với vai trò là người chỉ đạo quyết định là có căn cứ, đúng người đúng tội. Các luật sư cho rằng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh không phạm tội này là không có căn cứ", đại diện VKS chỉ rõ.
Đối đáp lại nội dung này, đại diện VKS cho hay, căn cứ vào lời khai của bị cáo Thái Kiều Hương trong quá trình điều tra, tại phiên tòa phù hợp với lời khai của người làm chứng và các bị cáo Đinh Mạnh Thắng cũng như chính bị cáo Trịnh Xuân Thanh về việc ngày 7/4/2010, bị cáo Thanh đã nhận và chuyển vali tiền vào trong nhà.
Sau khi cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tại công ty Minh Ngân, bị cáo Thái Kiều Hương đã yêu cầu bị cáo Thắng trả lại tiền và bị cáo Thắng đã điện cho bị cáo Thanh về việc bị cáo Hương yêu cầu trả lại 19 tỷ đồng.
Bị cáo Thắng sau đó đã đến văn phòng của bị cáo Thanh nhận lại vali tiền và chuyển cho bị cáo Thái Kiều Hương.
"Theo lời khai của bị cáo Đinh Mạnh Thắng, sau khi bị cáo Thanh trả lại tiền có nói với Thắng bảo Hương giữ bí mật về việc đã chuyển tiền cho Thắng, Thanh, coi như là tiền mới chỉ dừng đến Hương chứ chưa đến Thắng, Thanh…", đại diện VKS nêu.
Theo bản kê nộp tiền vào tài khoản của công ty Vietsan do thủ quỹ là chị Lê Thị Hương nộp ngày 6/5/2010 gồm nhiều mệnh giá khác nhau.
"Theo lời khai của chị Lê Thị Hương, số tiền này nhận của bị cáo Thái Kiều Hương và được đựng trong bao tải. Như vậy, có căn cứ xác định, bị cáo Thanh và Thắng đã trả lại số tiền 19 tỷ đồng. Số tiền này đã được giao cho Thái Kiều Hương. Tuy nhiên, đến ngày 6/5/2010, khoảng 10 ngày sau, chị Lê Thị Hương theo chỉ đạo của bị cáo Thái Kiều Hương mới đem 14 tỷ đồng nộp vào tài khoản của công ty Vietsan tại Ngân hàng. Số tiền này gồn nhiều mệnh giá và được đựng trong bao tải, do vậy, không có căn cứ khẳng định số tiền 14 tỷ đồng do Thanh trả lại. Việc đề nghị thực nghiệm là không có căn cứ", đại diện VKS nhấn mạnh.
Trịnh Xuân Thanh: VKS biến điều bị cáo làm đúng thành sai
"Trong hai lần giới thiệu bị cáo Thái Kiều Hương gặp anh Thanh, đề nghị anh Thanh chuyển nhượng cổ phần nhưng chuyển nhượng như thế nào bị cáo không biết, chỉ nói là anh giúp đỡ Hương. Bị cáo mong được xem xét hành vi của bị cáo để được hưởng mức án nhẹ hơn", bị cáo Thắng nói.
Trong phần trình bày của mình, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, bị cáo không muốn nói nhưng vì tòa cho phép nên bị cáo nói.
Theo bị cáo Thanh, lập luận của đại diện VKS không khác gì bản luận tội và biến điều bị cáo làm đúng thành sai.
Bị cáo Thanh cho rằng, về việc bị cáo chỉ đạo Đào Duy Phong và Nguyễn Ngọc Sinh thì đã cử hai người này làm đại diện phần vốn. Đồng thời, xuyên suốt, bị cáo Thanh đều đồng ý cho sang nhượng cổ phần tại đây.
Bên cạnh đó, bị cáo Thanh cho hay, việc lập luận của VKS nêu bị cáo làm thất thoát vốn Nhà nước tại đây là không đúng. Bởi Luật quy định rõ, công ty PVPLand không phải công ty Nhà nước mà chỉ là công ty liên kết của PVC và HĐQT của PVPLand làm việc theo pháp luật doanh nghiệp.
Bị cáo Thanh cũng nêu, việc quy kết bị cáo chủ mưu bán cổ phần giá thấp để chia tiền là không có căn cứ.
"Với bản luận tội và đối đáp của đại diện VKS, bị cáo thấy rằng, VKS coi thường tất cả mọi người ở đây, coi thường luật sư, coi thường bị cáo, coi thường bố mẹ bị cáo ở đây. Việc xác định như vậy ảnh hưởng rất lớn đến bị cáo", bị cáo Thanh nêu.
Bị cáo Thanh nói thêm: "Chính Cơ quan cảnh sát điều tra ngày xưa và Viện kiểm sát mà nhiều người bị cáo không muốn nói tên là chưa một ai nói với bị cáo là bị cáo vi phạm pháp luật trong vụ án này. Sau 7 năm đưa bị cáo ra xét xử với những bằng chứng kết tội bị cáo chỉ đạo rồi đề nghị án chung thân".
Nguồn: Thời Đại