GS Trần Văn Nhung — Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, trao đổi về sự tăng đột biến giáo sư, phó giáo sư năm 2017.
— Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư gấp 1,7 lần so với năm 2016 và 2,3 lần năm 2015. Vì sao lại có sự gia tăng mạnh, thưa ông?
— Có hai lý do, đầu tiên là thời hạn nộp hồ sơ chậm hơn 6 tháng so với năm trước. Hạn nộp hồ sơ ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 là ngày 5/11, năm trước là ngày 25/5. Việc kéo dài thời hạn nộp hồ sơ vì chờ quy chế mới thay thế Quyết định 174 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2017, Thủ tướng quyết định chưa thay đổi tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư trong năm 2017. Thời hạn nộp dài hơn nên số ứng viên ứng cử chức danh giáo sư, phó giáo sư tăng, tới 1.537 hồ sơ, trong đó 151 ứng viên giáo sư và hơn 1.300 ứng cử phó giáo sư.
Lý do thứ hai có thể các ứng viên mong muốn được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh, nên số lượng đăng ký tăng lên.
Qua ba cấp Hội đồng Chức danh giáo sư xét duyệt, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn là 1.226 (bằng 79,76% số hồ sơ). Trong đó giáo sư là 85 (đạt 56,29% số đăng ký), phó giáo sư là 1.146 (đạt 82,68% số đăng ký).
— Phải khẳng định rằng chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm nay không giảm, thậm chí tăng lên. Hội đồng các cấp đều không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá. Sự tăng chất lượng đội ngũ đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, được thể hiện qua các điểm sau:
Số lượng bài báo quốc tế đăng trên tạp chí ISI/Scopus của ứng viên năm 2017 tăng. Cụ thể, ngành Vật lý có hơn 1.170 bài, ngành Hóa học — Công nghệ thực phẩm là 1.020, Y học là 670, Sinh học là 590… Ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn trước nay hiếm có bài báo đăng trên ISI, Scopus thì lần này có hơn 140 bài.
Một số ứng viên có nhiều bài báo quốc tế ISI/Scopus, chỉ số H cao (thước đo về năng suất làm việc, ảnh hưởng của công trình nghiên cứu đến cộng đồng khoa học quốc tế), hoặc có nhiều công trình được ứng dụng hiệu quả trong thực tế, đáng được biểu dương.
Ví dụ, ứng viên phó giáo sư Nguyễn Quảng Trường, ngành Sinh học (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) có 160 bài báo quốc tế; Nguyễn Thị Hồng Vân, ngành Vật lý, ứng cử phó giáo sư có 153 bài; Trần Đại Lâm, ngành Hóa học, ứng cử giáo sư, có 114 bài, chỉ số H = 26…
Đặc biệt, có nhiều ứng viên đã được trao giải thưởng quốc tế uy tín vì thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Điển hình là Nguyễn Thế Hoàng (Bệnh viện Trung ương quân đội 108) được giải thưởng A.v.Humboldt, APKO, J.N. Von Nussbaum của Đức; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được Huân chương Bắc đẩu Bội tinh của Pháp…
- Quá trình xem xét các ứng viên, ông ấn tượng với trường hợp nào nhất?
TS Phạm Hoàng Hiệp không phải là người có số lượng công trình khoa học nhiều nhất. Tuy nhiên, chất lượng các công trình của anh được đánh giá rất tốt, ấn tượng, nhiều công trình được đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Tôi phải nhấn mạnh rằng, TS Hiệp nhận được 100% số phiếu của Hội đồng ngành Toán — một Hội đồng chuẩn mực và khắt khe nhất. Điều này đã nói lên rằng, sự vinh danh dành cho tân giáo sư trẻ nhất là vô cùng xứng đáng.
- Giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế, được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đánh giá thế nào?
— Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là thầy thuốc ưu tú đã nhận được trao tặng Bắc đẩu bội tinh — huân chương cao quý của nhà nước Pháp. Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước gồm 31 người đã xem xét, thảo luận, bỏ phiếu tín nhiệm từng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư.
Ngày 2/2, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017. Danh sách có 1.226 người đạt tiêu chuẩn, gấp 1,7 lần năm 2016 và 2,3 lần năm 2015. Trong đó 85 người đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, 1.141 người đạt phó giáo sư.
Nguồn: VNExpress