Cụ Hong chia sẻ về cách một người ban đầu không hề có trình độ học vấn và kinh nghiệm, vươn lên nhờ học hỏi các đồng nghiệp nước ngoài, về thành công của cụ trong cuộc thi ảnh ở Hoa Kỳ và về việc làm thế nào biến công việc không ưa thích lúc đầu trở thành ý nghĩa chính yếu trong cuộc sống.
- Thưa bà Hong, bà bắt đầu sự nghiệp của một nhiếp ảnh gia như thế nào ạ?
— Tôi không học đại học mà chỉ tốt nghiệp Cao đẳng. Vì vậy, về nhiếp ảnh tôi là người tự học. Tôi nghe và nghiên cứu, xem các nhiếp ảnh gia chụp ảnh trên đường phố. Bây giờ đôi khi tôi xem các tác phẩm ảnh trên Internet. Khi lần đầu được cử đi tác nghiệp phản ánh trận đấu gôn, tôi không sao hiểu nổi cần lấy tư thế đúng để chụp như thế nào. Tôi bắt chước động tác của các đồng nghiệp nước ngoài.
Tôi đến làm việc theo sự phân công lúc 40 tuổi. Vào thời điểm đó, không có sự lựa chọn nào cả, tổ chức phái đi đâu thì mình đi tới đó thôi. Hồi ấy tôi công tác tại Ủy ban thể thao thành phố Thượng Hải. Tôi được bố trí vào nhóm chụp ảnh. Vừa có quyết định thì ba ngày sau người ta chuyển bàn làm việc của tôi đến Ban biên tập khác, như vậy có thể nói là tôi chuyển sang nghề khác.
- Bà thấy nghề nhiếp ảnh có khó không? Khó nhất là gì ạ?
— Rất phức tạp. Tôi đã 40 tuổi mới bắt đầu làm nghề này. Ở lứa tuổi của tôi lúc bấy giờ, nhiều người đã thành danh trong công việc còn tôi chỉ mới bắt đầu. Thoạt tiên tôi không thích việc tôi phải làm. Vóc dáng tôi không cao và phải đối mặt với nhiều rắc rối. Tình thế không thuận lợi gì. Tuy nhiên, cần phải nói rằng, tôi đã biết thể hiện sự sáng ý linh hoạt và có khả năng chịu đựng khó khăn. Vì vậy, tôi làm nghề cho đến hôm nay. Tôi nghĩ nhiếp ảnh là tổng hợp khả năng cân nhắc chính xác và kỹ năng khéo léo.
- Vậy bà thâm nhập sâu vào công việc này từ khi nào?
— Lúc đầu tôi không thích, nhưng khi bắt tay làm việc này một cách cẩn thận, tôi dần thấy say mê. Ảnh của tôi càng ngày càng khá hơn, tôi tự hiểu mình có thể làm ra những tác phẩm tốt, vì vậy bắt đầu thích công việc này nhiều hơn. Đặc biệt là khi tôi chụp được những bức ảnh mà không ai có. Và không ai thành công trong việc này, kể cả khi cố lặp lại. Tôi rất hạnh phúc khi nhận được những tấm ảnh độc đáo.
- Bà là người chiến thắng trong cuộc thi nhiếp ảnh diễn ra ở Mỹ. Chuyện này thế nào ạ?
— À, tôi chụp ảnh điệu múa uyển chuyển uốn lượn của con rồng. Nhân tiện, "rồng con run rẩy" chính là tên mọi người gọi tôi hồi nhỏ. Điệu múa rồng uốn lượn là trong cuộc diễn tập chuẩn bị khai mạc một sự kiện thể thao năm 1992 ở Thượng Hải. Theo lệ thì báo chí không dự những hoạt động như vậy. Còn tôi muốn làm một bức ảnh chụp rồng lạ thường. Khi ảnh in ra, Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thượng Hải nhìn thấy nó và khuyên tôi gửi đi dự cuộc thi của phóng viên ảnh Trung Quốc. Lúc đó ông nói với tôi: "Mau gửi ảnh để công bố, và tham gia cuộc thi, chị chắc chắn chiến thắng". Tôi nộp hồ sơ nhưng chẳng được giải nào. Sau đó, một nhiếp ảnh gia giàu kinh nghiệm lại nói rằng tôi chắc chắn sẽ thắng trong cuộc thi "Những bức ảnh được ưa chuộng" ở Hoa Kỳ. Tôi không tin vì nghĩ rằng nếu đã không thắng trong cuộc thi trước, thì bây giờ cũng chẳng có cơ hội chiến thắng ở nước ngoài. Thêm nữa, mọi giấy tờ cần viết bằng tiếng Anh — mô tả bức ảnh, trình bầy cách chụp, mà tôi không viết nổi. Tất cả những việc ấy trông vào sự giúp đỡ của Phó Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Thượng Hải, ông Xia còn kiêm chức Trưởng phòng ảnh của Tân Hoa Xã. Qua một tháng, tôi nhận được bức thư từ Mỹ, báo rằng tôi được giải Nhất trong cuộc thi "Những bức ảnh được ưa chuộng", đó là một tạp chí rất nổi tiếng, rất uy tín. Trong toàn bộ lịch sử tạp chí, tôi là công dân Trung Quốc thứ hai nhận giải thưởng của cuộc thi này.
- Bà tác nghiệp phản ánh những cuộc thi đấu quốc tế nào ạ?
— Năm ngoái tôi dự Giải Bóng đá vô địch châu Á (AFC Champions League, Asian Champions League). Trước đây, chỉ một vài hãng tin lớn ở Trung Quốc được phép làm tin bài về các đại hội thể thao quy mô. Và thường là các nhà báo viết. Thêm nữa khi đó nhiếp ảnh gia chỉ làm việc trong hãng Tân Hoa Xã, còn trong các tổ chức truyền thông khác thì không có phóng viên ảnh.
— Bà có muốn dự Giải vô địch Bóng đá thế giới ở Nga không ạ?
— Tôi thực sự rất muốn đến Nga. Trong khi tôi còn chụp được ảnh, tôi ước được xem Giải vô địch và cùng giới trẻ cổ vũ các cầu thủ.
- Bà đã gặp những ngôi sao thể thao nào ạ?
— Tôi đã có dịp gặp nữ VĐV nhảy sào của đội tuyển Nga Isinbayeva và tay vợt Nga Marat Safin. Mấy năm liền tôi chụp ảnh nhà thể thao này của Nga. Tôi còn chụp ảnh các vũ công ba lê Nga hồi cuối năm ngoái, chụp ảnh ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant, người gần đây đã rời bỏ thể thao, rồi Dwight Howard, LeBron James.
À, còn Michael Phelps nữa. Tôi nghĩ rằng mình rất may, vì đã ghi vào ống kính hầu như tất cả các ngôi sao thể thao thời nay.
— Bà dự kiến tiếp tục chụp ảnh chứ ạ?
— Đúng thế, tôi không muốn bỏ rơi chiếc máy ảnh, nó đã đồng hành với tôi trong bao nhiêu năm. Tôi đã cao tuổi nhưng vẫn chụp ảnh. Năm nay tôi 80, thế mà có lúc tôi từng thầm hứa sẽ làm việc đến tuổi bát thập. Đấy là vài ba năm trước. Mà mỗi lần dự cuộc thi đấu thể thao, tôi lại cảm thấy mình còn trẻ và tràn đầy sinh lực.