Tàu tên lửa tấn công nhanh BPS-500 là sản phẩm do Cục thiết kế phương Bắc (SPKB) của Nga thiết kế theo đặt hàng của Hải quân Việt Nam trước khi chúng ta tiếp nhận và đóng tại chỗ lớp Molniya 1241.8.
So sánh với các tàu tên lửa tia chớp thì BPS-500 có ưu điểm ở hình dáng góc cạnh nhằm giảm diện tích phản xạ radar; trang bị hệ thống đẩy phản lực nước giúp hoạt động tốt hơn tại những vùng nước nông, bãi cạn, đảo chìm mà tàu dùng chân vịt rất khó hoặc không thể tiếp cận.
Hỏa lực của BPS-500 so với Molniya 1241.8 mặc dù không phong phú bằng nhưng cũng rất đáng gờm với 8 tên lửa hành trình chống hạm Uran-E cùng pháo hạm AK-176M và pháo phòng không AK-630M.
BPS-500 có một lợi thế lớn so với Molniya 1241.8 đó là nếu muốn Việt Nam có thể đóng bao nhiêu chiếc cũng được vì đây đã là thiết kế do chúng ta sở hữu toàn bộ, không như "Tia chớp" phải đàm phán số lượng đóng từng tàu theo đúng luật bản quyền.
Đáng tiếc rằng sau khi chiếc 381 hoàn thiện vào năm 1999, đã xuất hiện một số lỗi tồn tại như khả năng tác xạ trong khi hành tiến bị hạn chế vì thuật toán chưa hoàn thiện để giải hệ phương trình 3 ẩn biến thiên gồm vị trí bệ phóng, vị trí đạn và vị trí của mục tiêu.
Mới đây nhất, Truyền hình Hải quân đã phát sóng một phóng sự, trong đó tàu BPS-500 đã có thể bắn chính xác tên lửa chống hạm 3M-24 Uran-E vào mục tiêu trong tư thế vận động hành tiến trên biển.
Đây là câu trả lời chính xác và toàn diện nhất về kết quả sửa chữa chiếc BPS-500 được Việt Nam và Nga tiến hành, cho thấy con tàu đã thực sự hoàn thiện 100% khả năng chiến đấu theo đúng như thiết kế.
Ngoài việc trở thành sự bổ sung đáng kể cho hạm đội tàu mặt nước, Việt Nam đã có thể tự đóng thêm BPS-500 nếu có nhu cầu, thậm chí hoàn toàn có thể tính tới việc nâng cấp vũ khí trang bị của nó như những chiếc Molniya 1241.8 loạt thứ hai.
Nếu được đóng thêm với số lượng tương đương Molniya, chúng ta sẽ có trong tay 2 lớp tàu tên lửa tấn công nhanh lợi hại, tạo ra nắm đấm thép trên biển với sức xuyên phá cực mạnh.
Theo: Báo Đất Việt