Vẫn theo hướng củng cố ưu thế toàn diện của nước Mỹ trước bất cứ đối thủ nào trên thế giới, ngôn từ diễn giải theo lối thời Tổng thống Donald Trump là "nước Mỹ trên hết" và "tạo lập hòa bình thông qua sức mạnh" càng lộ rõ bản chất quan điểm cũng như hành động thực tế của Washington: sẵn sàng phát động chiến tranh nhằm vào bất cứ đối thủ nào có thể ảnh hưởng đến vị thế độc tôn của Hoa Kỳ hoặc đi trái với "trật tự thế giới" do Mỹ sắp đặt và giữ quyền thống soái.
Ra sức biện minh và đổ lỗi cho các nước khác, Hoa Kỳ chủ trương phát triển đầu đạn hạt nhân công suất nhỏ để phục vụ mục tiêu riêng của mình. Trong khi đó, dư luận xã hội (như ở Nhật Bản) cũng như giới chuyên gia các nước cho rằng học thuyết hạt nhân mới của Hoa Kỳ tiềm ẩn thảm họa hủy diệt toàn thế giới.
Đàm đạo với nhà báo Đan Thi của Sputnik về đề tài học thuyết hạt nhân mới của Hoa Kỳ, chuyên gia phân tích chính trị-quân sự quốc tế nổi tiếng của Việt Nam, Đại tá Lê Thế Mẫu đề xuất nhìn lại lịch sử ra đời vũ khí hạt nhân.
Phô trương sức công phá hủy diệt khủng khiếp của loại vũ khí mới này, ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản, Washington nhằm đến mục đích chớp nhoáng là buộc Tokyo đầu hàng, dù đó là kết cục tất yếu không thể khác khi Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật Bản. Không chỉ tranh công trong Thế chiến II, Hoa Kỳ còn muốn các nước khác phải tuân theo sự chỉ đạo của người Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực hậu chiến. Như vậy, Hoa Kỳ đã là nước đầu tiên và duy nhất sử dụng vũ khí hạt nhân đánh vào một quốc gia không có loại trang bị tử thần này. Đây là điều mà nhân dân Nhật Bản và thế giới không thể quên!
Đại tá Lê Thế Mẫu nhận xét: "Theo các tài liệu được giải mật, sau Thế chiến II Mỹ đã từng nhiều lần vạch kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công vào nhiều thành phố của Liên Xô. Nếu như Liên Xô và tiếp sau là Trung Quốc không làm chủ được vũ khí hạt nhân và san bằng ưu thế chiến lược quân sự với Mỹ thì ai biết trật tự thế giới sẽ ra sao sau cuộc đại chiến thế giới?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump nêu cao ý tưởng "nước Mỹ trên hết", theo đuổi tham vọng giành ưu thế toàn diện trong tất cả các môi trường tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian mạnh áp đảo so với Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác, sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu vào các đối thủ, kể cả sử dụng các loại vũ khí hạt nhân, mà không lo ngại bị đáp trả.
"Hãy thử tưởng tượng, nếu như học thuyết hạt nhân mới tạo điều kiện cho Hoa Kỳ giành được ưu thế vũ khí hạt nhân và có được vị thế không thể bị đánh trả, thì người Mỹ sẽ làm gì?", — chuyên viên Việt Nam nêu giả thiết. Nếu vậy, rõ ràng là Mỹ càng không ngần ngại can thiệp, xâm nhập, giáng đòn tấn công bất cứ quốc gia nào mà Washington cho rằng đang "phá hoại trật tự" do Mỹ thiết lập và áp đặt".
Tuy nhiên, thực tế thế giới hiện nay vẫn có phần trái ngược với nhận định trong "Báo cáo đánh giá chính sách hạt nhân 2018" của Mỹ. Cơn đau đầu hiện thực của Hoa Kỳ là phải đối mặt với thách thức hạt nhân lớn chưa từng có khi các đối thủ gạo cội như Bắc Triều Tiên, Iran, Trung Quốc và đặc biệt là Nga đạt được nhiều tiến bộ trong việc phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân cũng như các hệ thống phóng đầu đạn hạt nhân" nhằm mục đích tự vệ và phòng thủ. Thực tế đó hoàn toàn không phải là "yếu tố thúc đẩy Mỹ tìm kiếm chiến lược phát triển mới để ngăn chặn các vụ tấn công chiến lược nhằm vào đất nước Mỹ, các đồng minh và các đối tác", — như cách lý giải của Tổng thống Donald Trump.
Xét cho cùng, những tuyên bố cho rằng "Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị tấn công" ghi trong "Báo cáo đánh giá chính sách hạt nhân 2018" cũng như trong Chiến lược an ninh quốc gia và Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ vẫn chỉ là luận điệu biện minh không mới, nhằm tạo cơ sở, chuẩn bị dư luận và điều kiện để Washington công nhiên phát triển những loại vũ khí mới cho một cuộc chiến tranh tiềm tàng trong tương lai. Luận cứ này ẩn tàng mối họa chiến tranh hạt nhân hủy diệt. Hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945 là lời cảnh báo đầy tính thời sự trong bối cảnh hiện nay. Không ngẫu nhiên mà các cư dân Nhật là nạn nhân còn sống sót của bom nguyên tử Mỹ đã hết sức công phẫn trước học thuyết hạt nhân mới của Hoa Kỳ.
"Việt Nam cùng các nước ủng hộ và mong muốn được thấy một nước Mỹ hùng mạnh gánh vác trách nhiệm đối với sự phát triển của thế giới đa cực. Nhưng một nước Mỹ "trở lại vĩ đại" theo cách thức đề ra trong Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng và Học thuyết hạt nhân mới của ban lãnh đạo Donald Trump thì thực sự là hiểm họa khôn lường", — chuyên gia Lê Thế Mẫu kết luận.