"Các hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển là nhằm bảo vệ lãnh thổ và cả lợi ích [của Trung Quốc] ở hải ngoại, bởi vì chúng có thể được trang bị trên những tàu chiến. Khu vực đầu tiên Trung Quốc triển khai là châu Á-Thái Bình Dương và sau đó là Ấn Độ Dương", chuyên gia hải quân Trung Quốc, ông Tống Trung Bình cho biết, theo tờ South China Morning Post.
Đánh giá này được đưa ra giữa lúc Trung Quốc nỗ lực tăng cường xây dựng hải quân có thể hoạt động trên toàn cầu. Giới quan sát cho hay Bắc Kinh có tham vọng sở hữu nhóm tàu sân bay tác chiến vào năm 2030. Với 3/4 lượng dầu nhập khẩu đi qua Ấn Độ Dương hoặc Eo biển Malacca, Trung Quốc sẽ tăng cường phòng thủ trên biển để bảo vệ trên tuyến đường này.
"Trong khi Mỹ và những quốc gia khác theo đuổi chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm đối phó Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ triển khai những hệ thống đánh chặn tên lửa đến những khu vực này để đối phó", ông Tống lưu ý.
Chuyên gia quân sự Antony Wong Dong ở Macau cho biết Trung Quốc đã phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa trên biển HQ-26 thế hệ mới, có trang bị tên lửa hành trình tầm xa lên đến (tầm bắn 3.500km). Hệ thống này dự kiến sẽ được lắp đặt trên tàu khu trục lớn nhất nước này, Type 055 với độ choán 13.500 tấn.
Theo Reuters, Bắc Kinh đang tăng cường nghiên cứu mọi tên lửa, từ loại có thể phá hủy vệ tinh trong không gian cho đến tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng dưới sự giám sát của Chủ tịch Tập Cận Bình. Chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Bắc Kinh cho biết tên lửa tên lửa đánh chặn thế hệ mới được thiết kế nhằm tiêu diệt đầu đạn kẻ địch trong không gian.
Hồi đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo quân đội vừa tiến hành thử nghiệm hệ thống tên lửa đánh chặn từ mặt đất.
"Vụ thử nghiệm đã đạt kết quả như mong muốn và chỉ mang tính phòng thủ, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào", thông báo nói.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành giữa lúc căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang và Ấn Độ tăng cường phát triển các hệ thống tên lửa.
Mới đây, Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V hồi 18.1 với tầm bắn 5.000, có thể mang đầu đạn hạt nhân đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào ở Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng hệ thống tên lửa đánh chặn của nước này hiện đủ mạnh để bắn hạ bất kỳ tên lửa nào từ Triều Tiên và Ấn Độ, nhưng vẫn chưa rõ liệu rằng có đủ sức chặn ICBM từ Mỹ trong trường hợp Washington-Triều Tiên khai chiến.
Nguồn: Thanh Niên