Khi thành lập công ty 25 năm trước, chúng tôi đã cùng nhau xây dựng một nguyên tắc kinh doanh "nói không với việc bôi trơn".
Tuyên bố ấy nhận được rất nhiều "chia sẻ chân thành" và "khuyên nhủ thật" từ bạn bè và các anh chị doanh nhân đi trước. Họ bảo, em đặt ra quy định riêng khác thường như thế, khó mà tồn tại trong môi trường kinh doanh ở đây, đặc biệt với ngành nghề tư vấn vốn khó cân đo đong đếm.
Nhiều năm sau, tôi bật cười khi được đọc Code of Ethics (Nguyên tắc ứng xử đạo đức) của một công ty đa quốc gia đang hoạt động rất thành công ở thị trường Việt Nam. Trong đó, có 2 điều khiến tôi nhớ mãi: 1. Chúng ta không chấp nhận hối lộ; 2. Nhưng nếu điều đó là bắt buộc, thì phải được thực hiện bởi bên thứ ba.
Tôi hỏi anh trưởng đại diện: "Nếu áp dụng điều hai, liệu điều một còn ý nghĩa gì?". Anh bạn thoáng ngượng nghịu: "Thôi mày, when in Rome, do as Romans do" — ở Rome thì phải làm như người Rome, tức là phải nhập gia tùy tục.
Việc một doanh nghiệp nước ngoài — vốn có các nguyên tắc khắt khe với quà biếu — thuê một nhà tư vấn trong nước chịu "vấy tay" giúp mình trong hoạt động nhạy cảm này đang trở thành một cách ứng xử phổ biến tại Việt Nam.
Đến hẹn lại lên, đường phố lại chật cứng xe cộ dịp cuối năm. Tôi thấy những gói quà Tết cũng nhấp nhô và nhẫn nại nhích lên trong dòng người tấp nập. Với người gốc Bắc như tôi, Tết sẽ không còn đủ ý nghĩa, nếu không có mùi nhang trầm phảng phất trong làn gió xuân hanh hao, không có phớt hồng hoa đào run rẩy dưới mưa xuân và cảm giác háo hức được mang quà Tết đến ông bà, chú bác, họ hàng sau một năm dài bươn chải. Những gói quà nhấp nhô trước mắt tôi đây, có bao nhiêu gói chứa đựng tình thâm cho những người mình thân thiết và trân quý. Và bao nhiêu trong số còn lại chỉ là món quà ngoại giao bắt buộc, thật nặng về giá trị mà rất nhẹ tình người?
"Các thuê bao dồn về Hà Nội làm gì?" là cách người ta nói về việc nghẽn sóng di động trong thời điểm cận Tết, do các thuê bao ngoại tỉnh đổ dồn về Hà Nội để biếu xén "ngoại giao". Tôi không dễ để gặp gỡ bạn bè là những chủ doanh nghiệp những ngày này. Họ vội vã đến, vội vã trao những món quà nặng ký với nụ cười cơ học trên môi, vội vã chúc những lời chúc được lập trình sẵn một cách xã giao đến gượng gạo. Nhưng tôi biết, trong lòng họ bộn bề lo toan. Họ chia sẻ với tôi, những món quà này không chắc chắn giúp công ty hanh thông hơn trong năm mới, nhưng thiếu nó, việc làm ăn chắc chắn sẽ ít đi phần trơn tru.
Theo dõi các vụ án kinh tế, không ít người sửng sốt khi biết chi phí quà Tết một người đứng đầu công ty nhà nước đề nghị cấp dưới chi để mình tiêu lên đến 5 tỷ đồng. Không ít người trong cuộc khi đứng trước tòa đã khẳng định việc biếu xén bôi trơn giống như một phần tất yếu của công cuộc kinh doanh trong môi trường hiện tại.
Ngày cuối năm, tôi chợt chạnh lòng khi đọc những thông tin từ giới doanh nhân bốn bể. Công ty ô tô điện Tesla non trẻ của Elon Musk đã có giá trị vốn hóa vượt qua những con khủng long có lịch sử trăm năm như Ford hay GM. Cho dù lỗ nặng tại thời điểm hiện tại, nhưng giới đầu tư, bằng dòng tiền của mình, đã đặt cược vào viễn kiến và lòng tin bất biến của Elon Musk về tương lai của dòng xe điện.
Cũng thời điểm cận Tết này, khi doanh nhân của chúng ta đang hối hả đi trao quà ngoại giao thì Elon Musk đã phóng thành công tên lửa Falcon Heavy có thể chu du Sao Hỏa, với ước mơ chinh phục hành tinh đỏ qua dự án đưa loài người từ trái đất lên sinh sống.
Một đất nước sẽ phát triển mạnh, nếu thành công của mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào know- how (bí quyết công nghệ) của chính mình.
Và ngược lại, tương lai tươi sáng sẽ khó đến với đất nước đó khi cộng đồng doanh nghiệp chỉ tập trung vào "bí quyết" xây dựng mối quan hệ bằng các khoản bôi trơn mà quà Tết là một ví dụ điển hình.
Nếu Elon Musk mở nhà máy tại Việt Nam, ngày hôm nay, ông đang đi tặng quà hay đang phóng tên lửa?
Theo Vnexpress