Hôm 17-3, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức tọa đàm "Quan niệm về hạnh phúc của người VN". Diễn đàn tuần này ghi nhận thêm các ý kiến về tiêu chí hạnh phúc của người Việt, gợi mở thêm những hướng đi để người Việt sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.
* TS Khuất Thu Hồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội):
Chuyện cần bàn
Quan niệm hạnh phúc của nhiều tổ chức cũng như của mỗi người rất khác nhau nên khó để có thể đo lường, định lượng đến nơi đến chốn mức độ hạnh phúc của người VN. Đó là chưa kể dù có dựa trên các tiêu chí cụ thể thì phương pháp tiến hành lấy số liệu có đảm bảo khách quan hay không cũng là câu chuyện cần bàn.
Hãy nhìn vào những vấn đề gần gũi nhất với đời sống hằng ngày của người dân là giáo dục, y tế, an ninh, trật tự xã hội, an toàn thực phẩm…, có bao nhiêu người VN hài lòng? Hay mọi người đều đang rất mệt mỏi? Tôi nghĩ rằng sẽ chẳng mấy ai hài lòng cả, ai cũng phàn nàn, lo lắng.
Vì vậy, những dịch vụ xã hội đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân phải được cải thiện. Người dân cũng cần được nâng cao nhận thức để có cái nhìn đa chiều. Khi đó họ sẽ mạnh dạn lên tiếng nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn, đặt ra nhiều yêu cầu hơn để các cơ quan chức năng thay đổi.
* PGS.TS Lê Ngọc Văn (Viện Nghiên cứu gia đình và giới):
Thoát nghèo và được sáng tạo
Do văn hóa truyền thống để lại, gia đình với mỗi người VN rất quan trọng. Khi thỏa mãn nhu cầu với cộng đồng, gia đình, xã hội thì họ sẽ thấy hạnh phúc. Tất nhiên nếu thiếu ăn thì không thể có hạnh phúc.
Chúng tôi chưa có kết quả thống kê cuối cùng, nhưng qua nghiên cứu sơ bộ thì thấy chỉ số hạnh phúc của người VN đang ở mức 6,5 — 6,8/10 điểm, tức ở mức khá so với mặt bằng chung của thế giới. Khi chúng tôi hỏi, đa số người dân nói rằng họ hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người VN, cần có nhiều chính sách của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm xã hội. Với những nơi còn nghèo khó phải có các giải pháp thoát nghèo, với những người trí thức phải có cơ chế để họ phát huy được sự sáng tạo.
* PGS.TS Trịnh Hòa Bình (giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội):
Không thể tự mãi huyễn hoặc
Người VN thường hay tự nhận mình là cộng đồng lạc quan, nhất là khi tính thêm các vấn đề tinh thần như nhân văn, nghĩa tình…, nên thường tự nhận mình là hạnh phúc. Nhưng nếu xét quan niệm hạnh phúc là sự hài lòng, thỏa mãn hệ thống nhu cầu của cộng đồng ngày một cao hơn, tôi cho rằng chỉ số hạnh phúc của người VN chỉ ở mức trung bình.
Qua rồi thời mà chúng ta tuyệt đối hóa những nhu cầu tinh thần, đặc biệt trong việc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc để tạo ra "những cú chạy gằn" chỉ đi đoạn đường ngắn. Nếu xét trên bình diện ấy có thể chỉ số hạnh phúc của VN ở nhóm trên.
Nhưng đó chỉ là trạng thái tạm thời chứ không phải là một chỉ số hạnh phúc lâu dài mà thế giới đang hướng đến. Chỉ số hạnh phúc lâu dài chỉ được đảm bảo khi các thành tố của việc thỏa mãn các nhu cầu về đời sống được coi trọng hơn.
Hơn nữa, bây giờ chúng ta đang sống trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì phải có cái nhìn thực tiễn, cụ thể, biết mình biết người hơn, chứ không thể tự mãi huyễn hoặc rằng chúng ta là nước có chỉ số hạnh phúc đứng đầu thế giới như một số công bố những năm gần đây.
* TS Đặng Thị Hoa (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới):
Người Việt lạc quan
Vì thế, nhiệm vụ của những người nghiên cứu là phải làm rõ những đặc trưng đó để các nhà làm chính sách có những giải pháp phù hợp.
Về mặt tinh thần, người VN lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống hiện tại nhưng về mặt vật chất, kinh tế thì lại ở mức khá thấp so với các quốc gia khác. Nếu đánh giá dựa trên khía cạnh này thì chỉ số hạnh phúc của người VN chỉ ở mức trung bình là hợp lý.
Ở VN hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu cụ thể để đưa ra giải pháp tăng chỉ số hạnh phúc.
Nhưng với riêng nhóm người dân tộc thiểu số, tôi cho rằng phải đồng thời nâng cao đời sống của họ để họ không còn đói nghèo, nhưng phải giữ được cho họ môi trường tự nhiên, môi trường sống, môi trường cộng đồng theo đúng những mong muốn của họ, đảm bảo họ được hài lòng. Khi đó họ mới thấy hạnh phúc.
* GS.TS Hồ Sĩ Quý (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):
Sự hoài nghi có căn nguyên
Do mới bắt tay vào nghiên cứu khoảng hai năm gần đây nên tất cả những nghiên cứu đánh giá xem người VN suy nghĩ thế nào về hạnh phúc đến giờ vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Không nhiều người đánh giá tích cực về mức độ hạnh phúc của người VN hiện nay. Những vấn đề nan giải diễn ra trong đời sống kinh tế — xã hội, những căng thẳng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, những tiêu cực hằng ngày trong đời sống… đã ảnh hưởng lớn đến quan niệm chung của người VN về hạnh phúc.
Nhưng lại có nhiều tổ chức quốc tế đánh giá chỉ số hạnh phúc của người VN cao hoặc rất cao.
Theo đánh giá của NEF (New Economics Foundation, Anh) về chỉ số hạnh phúc hành tinh — HPI (Happy Planet Index) thì năm 2006 VN đứng thứ 12/178 nước, trên cả Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ…
Với Hiệp hội Điều tra và nghiên cứu thị trường (Win/Gallup International) thuộc WB thì VN năm 2016 là nước hạnh phúc thứ 4 trên thế giới với chỉ số hạnh phúc là 78%. Những đánh giá này không làm cho người Việt vui mừng, ngược lại còn gây hoài nghi, hoang mang.
Có lẽ hợp lý hơn cả là Báo cáo hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của Sustainable Development Solutions Network thuộc Liên Hiệp Quốc phối hợp với Trường ĐH British Columbia, ĐH Columbia… thực hiện. Theo báo cáo này, năm 2016 VN đứng thứ 96/170 nước.
Dư luận xã hội ở ta hiện nay thường nghĩ rằng chỉ số hạnh phúc của người Việt hiện thời kém hoặc rất kém. Với tôi, tâm lý đó cũng có căn nguyên. Rõ ràng hiện nay rất nhiều người không bằng lòng với thực tế đời sống, nhưng những người nghĩ mình bất hạnh có lẽ cũng không nhiều.
Nhìn chung, quan niệm của người Việt về hạnh phúc, ở tất cả các tầng lớp, kể cả người thành đạt và không thành đạt, người giàu và người nghèo…, đều có cái nhìn tương đối thực tế. Vì vậy, có thể hiểu tại sao người ta lại hoài nghi những đánh giá quá cao về chỉ số hạnh phúc của VN.
Người VN lo lắng không biết đến bao giờ mình mới bằng nước này, nước kia là chuyện có thật. Nhưng người VN nhìn nhận cuộc sống của mình tốt hơn quá khứ cũng là chuyện có thật.
Hai sự thật này có trong đầu tất cả mọi người, nên tâm trạng về hạnh phúc lúc lạc quan, lúc bi quan… thì cũng chẳng có gì đáng ngờ.
Để trực tiếp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người VN, ở tầm vĩ mô, giải pháp cần có nhất vào lúc này là phải đẩy mạnh công khai, minh bạch và dân chủ trên tất cả lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội.
Công khai, minh bạch và dân chủ để toàn dân có thể nhìn nhận đúng thực trạng của đất nước hiện nay — điều ấy tốt cho xã hội, tốt cho công tác quản lý. Nhìn thấy nỗi đau thực của mình, con người sẽ hạnh phúc hơn thay vì giấu giếm để thêm lo lắng.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ