Chúng tôi đến thăm Đội huấn luyện chó nghiệp vụ, phòng Tham mưu, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng vào ngày đầu năm mới. Đại úy Trần Văn Kiên, Đội trưởng kiêm huấn luyện viên cho biết, Đội huấn luyện chó nghiệp vụ được lập từ năm 2011, có nhiệm vụ bảo vệ, đánh hơi ma túy và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác như chống bạo lọan, phối hợp chống khủng bố… Hiện, đội có 7 chú chó với nhiều tên gọi khác nhau như: Rex, Ka-zu, Đốp, Rex, Rin-cu…
Tất cả các chú chó đều được tuyển sinh, đào tạo tại trường trung cấp huấn luyện chó nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng tại Ba Vì, Hà Nội. Chó được tuyển chọn tại trường phải từ 1 năm tuổi trở lên. Thời gian huấn luyện trong vòng 2 năm, với các chức năng khác nhau như chiến đấu, cứu nạn, phòng chống ma túy…
Để làm nhiệm vụ thực tế, các chú chó phải thi tốt nghiệp, được chấm điểm như những người lính. Có những chú học tập tốt, sẽ đạt loại giỏi còn những chú đang yếu kém sẽ phải thi lại, thậm chí không thể ra trường. Mỗi chú chó gắn liền với 1 huấn luyện viên, từ lúc nhập trường cho đến khi hết vòng đời của mình. Khi vào trường, mỗi chú chó sẽ gắn với 1 con số khác nhau và sẽ được các huấn luyện viên chọn ngẫu nhiên.
Khi đã được huấn luyện viên chọn, các chú chó sẽ có khoảng thời gian ngắn để "quen hơi". Sau đó, cả hai cùng thực hiện huấn luyện với nhiều nội dung như khám nghiệm hiện trường, truy vết, chọn vật, canh gác, bảo vệ mục tiêu… Cả hai sẽ cùng trải qua những tháng ngày gian khó để có thể thấu hiểu và trở thành đôi bạn thân thiết.
Chó tốt nghiệp, được phân công về đơn vị nào, huấn luyện viên cũng phải theo cùng. Cứ thế, cả hai gắn bó với nhau trong giờ huấn luyện, làm việc lẫn đời thường. "Do gắn kết lâu, chúng tôi xem những chú chó cũng như người thân của mình", đại úy Kiên nói.
Theo đại úy Kiên, các chú chó này là những vũ khí sống của lực lượng Bộ đội Biên phòng nên việc chăm sóc phải rất kĩ lưỡng, cẩn trọng và có nghiệp vụ riêng. Mỗi ngày, một chú chó được cấp 37.000 đồng, nhà bếp phải tổ chức chế biến thay đổi món ăn như cháo gà, cháo thịt heo… và bổ sung thức ăn khô để không bị ngán.
Điều khiến các huấn luyện viên lo lắng nhất là lúc các chú chó bị ốm. Đối với các bệnh nhẹ, các chiến sĩ có thể tự xử lý. Riêng bệnh nặng, họ phải thuê taxi đưa đến các cơ sở thú y để chữa trị.
Mỗi chú chó thông thường chỉ nghe lời 1 huấn luyện viên, nên mỗi khi nghỉ phép, đi công tác các huấn luyện viên phải chuẩn bị kĩ càng, mới có thể bàn giao việc chăm sóc "bạn thân" cho người khác. Trước khi đi, họ phải viết biên bản, bàn giao sổ sách, tình trạng sức khỏe, ăn uống của chú chó. Trong trường hợp đi công tác, chú chó bị bệnh thì các huấn luyện viên phải ngay lập tức trở về đơn vị.
Mỗi chú chó thường được sử dụng từ 8 đến 10 năm. Chó già và chết sẽ được các huấn luyện viên chôn cất như những người lính. Riêng huấn luyện viên, có thể trở về trường, nhận lại học trò mới hoặc chuyển sang công tác khác. Huấn luyện viên và chó sống cạnh bên nhau lâu, tình cảm gắn kết, xem nhau như những người bạn tâm giao nên nhiều trường hợp, khi chó chết, họ không thể quên nên chuyển sang công tác ở các lĩnh vực khác.
Đối với những chú chó nghiệp vụ đã thực hiện nhiệm vụ khoảng 10 năm sẽ được nghỉ hưu và hưởng theo chế độ. Những chú chó này quay lại trường, có khu ăn uống, ở, chăm sóc riêng. Khi chết, chúng sẽ được chôn cất tại nghĩa địa do trường quy hoạch. Thậm chí, nhiều con có nhiều thành tích xuất sắc sẽ được làm bia bảng vinh quang, tưởng nhớ…
Đại tá Tôn Quốc Khánh, Chỉ huy trưởng bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng cho biết, chó nghiệp vụ là cộng sự đắc lực của những người lính Biên phòng. Những chú chó nghiệp vụ là vũ khí sống, vũ khí đặc biệt trong việc bảo vệ mục tiêu, truy bắt tội phạm và đấu tranh phát hiện các đối tượng cất giấu ma túy, giám định nguồn hơi tìm đối tượng đang lẩn trốn… góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn.
Nguồn: Nguoiduatin.vn