Năm 2017, công tác phòng chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, có chiều sâu. Nhiều quan chức, ở các cấp bậc khác nhau tiếp tục bị điều tra, xử lý. Đặc biệt, qua các hoạt động thanh — kiểm tra, điều tra, xét xử cho thấy không có "vùng cấm". Tập thể, cá nhân dù đương chức hay đã nghỉ hưu nếu làm sai đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phát huy khí thế chống tham nhũng
Trả lời phỏng vấn báo chí đầu Xuân Mậu Tuất 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định phòng chống tham nhũng là công việc lớn, rất quan trọng. Năm qua, công tác phòng chống tham nhũng được chỉ đạo, tiến hành quyết liệt, đồng bộ hơn, bài bản, chắc chắn, với tinh thần nói đi đôi với làm và làm cho bằng được. Vì vậy đã tạo được chuyển biến tích cực trên thực tế, kết quả rõ rệt hơn, nhân dân tin tưởng, phấn chấn hơn. Tổng Bí thư khẳng định "lò" nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm "đốt lò" để đẩy lùi tham nhũng.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng cả hệ thống chính trị cần phải tranh thủ niềm tin của nhân dân trong "cuộc chiến" này. Theo ông Phúc, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có bước tiến rất mạnh mẽ, được nhân dân tin tưởng, đánh giá rất cao.
"Trong năm 2018 và thời gian tiếp theo cần phải phát huy, tranh thủ khí thế như thời gian qua để công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ" — PGS Nguyễn Trọng Phúc nói.
Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí trong dịp đầu năm mới, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế — xã hội nhiệm kỳ 2016-2021. Do vậy, trong công tác phòng chống tham nhũng, ngành thanh tra sẽ chủ động tham mưu các ngành, các cấp tổ chức thực hiện bảo đảm quán triệt quan điểm, mục tiêu, giải pháp của Đảng, nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn trên quan điểm phòng ngừa là chính; phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.
Người đứng đầu ngành thanh tra khẳng định sẽ kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền trong xử lý tham nhũng. Đồng thời, ngành thanh tra sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Tố cáo bảo đảm chất lượng, khả thi.
Ổn định kinh tế vĩ mô
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để thực hiện được nhiệm vụ mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, cần tập trung vào 5 giải pháp quan trọng. Đó là phát huy những thành tựu trong năm 2017 để tạo cơ hội cho năm 2018. Làm tốt công tác chuẩn bị để tranh thủ cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo được bước đột phá trong tăng trưởng. Bên cạnh đó, cơ hội đón nhận làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sẽ tiếp diễn mạnh mẽ hơn trong năm 2018 nên cần xây dựng định hướng chiến lược rõ ràng để thu hút dòng vốn này. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Làm được điều này sẽ là cơ hội để Việt Nam cải thiện và bứt phá vị trí trên bảng xếp hạng, huớng tới mục tiêu ASEAN 4 mà Chính phủ đã đề ra.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý năm 2017, người dân, doanh nghiệp đã tin tưởng, bỏ tiền để đầu tư, làm ăn phát triển đất nước chứ không cất trữ như trước.Niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố. Đây là cơ hội lớn nhất để đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nhất là trong công tác tham mưu chính sách.
Nghị quyết của Quốc hội giao chỉ tiêu năm 2018 đạt mức tăng trưởng GDP 6,5%-6,7% nhưng Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh cần nỗ lực để đạt "ngưỡng trên" của mục tiêu này, tức là đạt mức tăng trưởng 6,7%. TS Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Việt Nam, nhận định tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt khoảng 6,5%-6,8%.
Loại khỏi bộ máy cán bộ hư hỏng
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trong năm 2018 là chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Ngoài ra, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tình trạng "tham nhũng vặt", kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng. Đồng thời, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.
Nguồn: NLĐ