Mặc dù cụm từ mới đã được đề xuất cách đây vài năm, nó đã trở thành nổi tiếng sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Trump lặp đi lặp lại tên gọi này tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng. Tuyên bố chung theo kết quả chuyến viếng thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam cũng dùng cụm từ này. Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng một vùng Indo-Pacific hòa bình và thịnh vượng, một khu vực tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, phát triển bền vững, có hệ thống thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở.
"Nói về khả năng Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc vào một liên minh mới chống lại Trung Quốc mà Mỹ đang thành lập, các nước này sẽ làm tất cả mà Mỹ nói với họ bởi vì trên lãnh thổ các quốc gia này có căn cứ quân sự Mỹ, — Giáo sư, tiến sĩ sử học Vladimir Kolotov (Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg) nhận xét trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. "Nhưng, việc gì mà Ấn Độ phải làm như vậy? Mặc dù Ấn Độ có những vấn đề cạnh tranh và thậm chí tình huống xung đột với Trung Quốc, nhưng, hai nước có cả những lợi ích chung rất quan trọng. Hai quốc gia này có những đối thủ chung trong khu vực mà Hoa Kỳ không có. Đây là lực lượng phiến quân Jihad và các phần tử IS, mà Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho các nhóm này ở Syria.
Sau khi bị thất bại ở Syria, nhiều chiến binh IS đã di chuyển đến Afghanistan, Pakistan, nhiều người đã chạy đến Đông Nam Á. Theo tôi, chính sách địa chính trị của một số nước trên lục địa Á-Âu đang gây hại cho chính họ. Khi đưa ra yêu sách đơn phương kiểm soát vùng Biển Đông, Trung Quốc khiến các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, và Mỹ đang sử dụng tâm trạng này một cách khôn ngoan, tạo ra các khối chống Trung Quốc, bơm thêm các loại vũ khí đến khu vực, vv. Mặc dù chính Mỹ đã lôi cuốn Trung Quốc vào cuộc tranh chấp lãnh thổ, sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Nixon năm 1972.
Các nước trong khu vực không nên nghĩ rằng, Hoa Kỳ sẽ sa vào xung đột trực tiếp với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của họ, — Giáo sư Kolotov nói. Hai cường quốc giàu nhất thế giới gắn liền với nhau trong nhiều lĩnh vực, có những nhóm lợi ích rất nghiêm túc không có ý định thay đổi lập trường bất kể ai nắm quyền lực. Chắc là Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng giải quyết các vấn đề qua tay các nước trong khu vực, còn hai cường quốc này sẽ "đi đêm với nhau" như đã từng xảy ra trong năm 1972, đây là ý kiến của một số chuyên gia Việt Nam.