Người giàu Việt bị kỳ thị
Nói với Tuổi trẻ, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico cho rằng, tỉ phú cần được xem là thương hiệu quốc gia vì họ tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đóng góp và cống hiến cho đất nước.
Tuy nhiên, hiện nay tâm lý của một số người dân, cán bộ nhà nước, dù biết rằng đất nước đang sống chủ yếu bằng tiền thuế của doanh nghiệp, doanh nhân… nhưng họ vẫn kỳ thị người giàu.
"Tôi vừa xem một vở kịch và thấy rất buồn cười khi vở kịch này vẫn cứ kỳ thị, nói xấu người giàu. Đến nay, môtip của nhiều vở kịch, các câu chuyện của Việt Nam luôn theo kiểu nhà giàu thì phải độc ác và phải bị trừng trị đích đáng. Nếu như trước đây, quốc gia cạnh tranh bằng tài nguyên, văn hóa, lịch sử, giờ đây trong hội nhập kinh tế toàn cầu, không thể chỉ dựa vào nhà máy xí nghiệp nhỏ, tiểu chủ làm ăn cò con. Muốn cạnh tranh phải dựa vào những người có đầu óc làm ăn lớn, là những tỉ phú. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt không thể lớn mạnh do chính sách không chuẩn, chập chờn, hay thay đổi, làm doanh nghiệp khó đi đường dài vì sợ rủi ro", ông Đức nói.
Là người trong cuộc ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon nói thêm: "Một nền kinh tế mạnh là nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lớn. doanh nghiệp, cá nhân nếu giàu lên nhờ làm ăn chính đáng, đem lại giá trị cho xã hội cần phải được Nhà nước, xã hội hoan nghênh.
Thể chế và luật pháp của Nhà nước phải bảo vệ họ. Chứ cứ thấy họ giàu lên, có nhiều tiền lại nghi ngờ, gây phiền phức là không ổn".
Theo ông Quý, một vài năm trở lại đây dù hệ thống chính sách pháp luật đã có cải thiện xong nhiều doanh nghiệp vẫn ngại làm việc với cơ quan nhà nước do có một số cán bộ làm việc quan liêu, kiểm tra quá nhiều hay luật có "điểm mờ" gây khó cho doanh nghiệp.
Vị này lo ngại, nếu không cải thiện thì hiện tượng "chạy ra nước ngoài kinh doanh, xin quốc tịch thứ hai, chảy máu ngoại tệ…" sẽ ngày càng đáng báo động hơn.
Vì sao bị kỳ thị?
Nhưng ở Việt Nam, phải đặt câu hỏi vì sao xã hội vẫn còn kỳ thị người giàu? Ông cho rằng, có lý do ngoài những người giàu thực chất ra, ở Việt Nam có nhiều người giàu nhờ luồn lách, nhờ lợi ích nhóm, lợi dụng lỗ hổng của cơ chế…
"Thời gian qua chúng ta đã thấy nhiều người trở thành đại biểu Quốc hội rồi còn ra trước vành móng ngựa. Rất nhiều người giàu ôm tiền chạy trốn ra nước ngoài. Nên xã hội mất niềm tin", ông Khoa nói.
Thực tế, từ năm 2017, báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report 2017) của Knight Frank đã cho biết, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam tăng vọt so với năm trước đó và được dự báo còn tăng với tốc độ nhanh nhất trên thế giới trong thập kỷ tới.
Theo báo cáo này, năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (mỗi người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên) tăng 32 người so với báo cáo năm trước đó và tăng 50 người so với năm 2014.
Tuy nhiên, thông tin trên không khiến giới chuyên môn trong nước vui mừng bởi theo họ, các tỷ phú thế giới giàu lên nhờ công nghệ, dịch vụ thì tại Việt Nam danh sách giàu nhất trên thị trường chứng khoán hầu hết đều là các đại gia "buôn đất".
"Nói về giàu siêu tốc chỉ có các đại gia bất động sản mà thôi. Không có ngành nghề nào có thể siêu giàu được ở Việt Nam bởi sản xuất của chúng ta không cạnh tranh lại với các nước xung quanh và trên thế giới do công nghệ lạc hậu, tay nghề kém, lãi suất ngân hàng rất cao", ông Nguyễn Văn Đực nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lý giải thêm: "Về công nghiệp, Việt Nam không có ngành công nghiệp xương sống để thúc đẩy, kéo các ngành khác đi theo. Chế tạo và chế biến phụ thuộc lớn vào các tập đoàn 100% vốn Hàn Quốc, Nhật, điển hình là Samsung. Khối DN Nhà nước vẫn chiếm lợi ích lớn về cơ sở hạ tầng, nguồn lực phát triển song chưa tỏ rõ được vai trò và sức mạnh dẫn đến hoang phí nguồn lực.
Khối DN tư nhân lớn của Việt Nam đang tập trung vào đất đai, làm giàu từ dự án bất động sản được cắt lớp, chia phần. Đó chưa phải là nền tảng tạo giá trị cạnh tranh và sức mạnh gia tăng của nền kinh tế và chưa có khả năng cạnh tranh so với DN nước ngoài. Số DN nhỏ vừa của Việt Nam chiếm số lượng lớn, nhưng chỉ mới giải quyết được vấn đề lao động, khó cạnh tranh trực diện với nước ngoài về mọi mặt".
Còn bà Phạm Chi Lan — chuyên gia kinh tế cao cấp thì cho rằng, việc giàu lên nhờ đất ở Việt Nam lại quá dễ dàng, chỉ cần nhờ vào quan hệ, tiền bạc là xong.
"Tiếp cận đất đai ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ với Nhà nước. Ai có quan hệ và biết cách quan hệ với Nhà nước để nắm được nguồn đất và quy hoạch thì có thể chớp thời cơ mua đất rẻ và bán giá cao gấp trăm lần. Họ trở thành tỷ phú rất dễ dàng trong điều kiện như vậy", bà Phạm Chi Lan nói.
Nguồn: Tuổi Trẻ, Báo Đất Việt