Dọn sạch, xử tận gốc
Liên quan đến vụ triệt phá đường dây đánh bạc xuyên quốc gia với số tiền hàng nghìn tỉ đồng hoạt động trong một thời gian dài mà không bị triệt phá tại Phú Thọ vừa qua, cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt bị can Nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (C50) Nguyễn Thanh Hóa.
Thế nhưng, trước những băn khoăn của dư luận vì sao mới chỉ một lãnh đạo bị khởi tố, trong khi đường dây lớn tồn tại đã khá lâu, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn — Ủy viên Ủy ban tư pháp Quốc hội cho rằng, mọi việc cần làm theo đúng quy trình pháp luật.
Ông phân tích: "Ở đây là cơ quan điều tra phải tiếp tục củng cố chứng cứ thì mới khởi tố tiếp các bị can khác, ngay cả bản thân ông Nguyễn Thanh Hóa cũng phải củng cố hồ sơ chứng cứ một thời gian rồi bây giờ mới khởi tố được.
Bởi theo quy định, khi đã khởi tố rồi thì phải đầy đủ chứng cứ về tội danh, còn khi có dấu hiệu thì mới bắt tay vào điều tra.
Thực ra trên thực tế trong quá trình điều tra thì cũng có thể đã có chứng cứ, phần sau khởi tố chỉ để tố tụng hóa lên, chứ không phải bắt vào rồi mới đi điều tra. Hoặc cũng có thể xác định được tội danh, dấu hiệu nhưng vẫn cần củng cố chứng cứ để đảm bảo yếu tố chứng minh, đảm bảo chứng cứ khởi tố là chính xác".
Nhưng về quy trình thì việc điều tra vẫn đặt dưới sự giám sát của cơ quan kiểm sát, sau khi điều tra thì cơ quan điều tra sẽ có kết luận điều tra, trong quá trình điều tra thì có sự giám sát của cơ quan Viện kiểm sát.
Kết luận điều tra sẽ chuyển qua cho Viện kiểm sát xem xét, quyết định truy tố. Sau đó Viện kiểm sát sẽ xem xét, đánh giá lại chứng cứ, quyết định truy tố theo điều khoản nào và chuyển cho tòa xử lý.
"Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng chỉ cần nhìn vào con số nghìn tỷ đồng đã đánh giá được mức độ.
Nhưng bất cứ vụ án nào cũng thế, phần con số chúng ta chứng minh được và sự thật bên trong luôn có một khoảng cách nhất định, đó là thực tiễn mang tính quy luật, phụ thuộc khả năng chứng minh của cơ quan điều tra.
Khả năng này không chỉ đổ cho cơ quan điều tra giỏi hay không giỏi, mà nó phụ thuộc trình độ phát triển quản lý của một đất nước cho nên không thể đổ cho chủ thể, cơ quan nào yếu kém.
Vấn đề quan trọng là công tác chứng minh của chúng ta, tội phạm luôn lẩn trốn, tìm cách tẩu thoát, mà cơ quan điều tra hoạt động điều tra đều diễn ra sau khi tội phạm đã diễn ra, đã hoàn thành mới đi tìm chứng cứ.
Cho nên dù nỗ lực hết mình chứng minh ở mức cao nhất nhưng vẫn phải chấp nhận khoảng cách, có thể trong vụ án này 1000 tỷ nhưng chứng minh thu hồi chỉ một phần nào đó, không thể tất cả.
Quan trọng là chúng ta bắt và xử lý được tội phạm, tôi cũng chỉ mong sẽ dọn sạch được những cán bộ sai phạm, xử lý tận gốc", ông Sơn cho biết.
Vẫn có thể còn nhiều cán bộ sai phạm
Kể cả trong ngành công an còn ai nữa không dư luận vẫn đang đặt câu hỏi, vì đơn giản một mình Cục trưởng không thể làm được, nhất là khi họ không phải người làm trực tiếp, để thấy dư luận băn khoăn có cơ sở.
Ở đây có cả một đường dây, nhất là trong hệ thống Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao phải có thêm người không riêng Cục trưởng nhưng mức độ như thế nào thì các cơ quan điều tra phải làm rõ.
"Theo tôi họ sẽ dần dần điều tra rồi lần theo manh mối, đến ai mà đủ chứng cứ thì họ khởi tố bị can còn khởi tố vụ án đã làm rồi. Chúng ta cứ bình tĩnh chờ đợi, nhưng mong vụ án được xử lý triệt để, nghiêm minh chứ không phải làm cho có, cả nể, xử lý cho qua, vì với cơ quan chức năng sai phạm như vậy là nghiêm trọng.
Anh làm lãnh đạo cơ quan công an mà đi làm bảo kê thì quá coi thường pháp luật, chứ không còn là bảo kê ngầm.
Tính chất và mức độ vụ án này đã quá nghiêm trọng, một vụ đánh bạc mà hàng nghìn tỷ đồng, toàn những người tinh hoa", bà Ba cho biết thêm.
Bản thân bà Ba mong muốn các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, làm cho nghiêm minh, triệt để, chứ đừng nửa vời, vì nếu không nghiêm thì những người chưa bị phát hiện sẽ không sợ.
"Chúng ta phải phát hiện cho hết, xử lý dứt điểm ngay thì mới có giá trị răn đe", bà Ba khẳng định.
Nguồn: Báo Đất Việt