Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật chưa nghiêm
Như VnMedia đã đưa tin, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được phân công trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề: "Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các đề án, dự án Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là việc thẩm định đảm bảo chất lượng các đề án, dự án luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật"
Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong đó năm 2016 có 12 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình và năm 2017 có 9 dự án được lùi, rút khỏi Chương trình
Cụ thể, năm 2016 lùi thời hạn trình dự án Luật Quy hoạch. Rút ra khỏi Chương trình 11 dự án: Luật về hội; Luật Ban hành quyết định hành chính; Luật Biểu tình; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật Chứng thực; Luật Công an xã; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Pháp lệnh Giống cây trồng (sửa đổi); Pháp lệnh Giống vật nuôi (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
Năm 2017 có 6 dự án lùi thời hạn trình: Luật Quy hoạch; Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Có 3 dự án rút ra khỏi Chương trình: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Luật Công an xã.
Ngoài việc lùi, rút khỏi chương trình 21 dự án luật thì Bộ trưởng Lê Thành Long cũng cho biết, trong quá trình lập Chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật. Chất lượng một số dự án luật chưa được Quốc hội đánh giá cao. Có dự án phải chuyển từ quy trình 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Cùng với đó, vẫn còn một số trường hợp gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh cho Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chậm so với quy định; có dự án sát Phiên họp thẩm tra, Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Kỳ họp của Quốc hội mới gửi hồ sơ, nên các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội có ít thời gian để nghiên cứu.
"Ví dụ, gần đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, vẫn còn 4/15 hồ sơ dự án luật chưa được gửi các đại biểu Quốc hội." — báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ.
Cán bộ thẩm định luật hạn chế về kiến thức
Đối với công tác thẩm định đề nghị; thẩm định dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, chất lượng thẩm định tuy đã từng bước được nâng cao, nhưng chưa đồng đều, đôi khi chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các chính sách và quy định trong dự thảo văn bản.
"Trong một số trường hợp, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp chưa đánh giá đầy đủ, cụ thể về các nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành do hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết gửi thẩm định nhưng không có đầy đủ thông tin" — Bộ trưởng Bộ Tư pháp thẳng thắn thừa nhận.
Đánh giá về nguyên nhân, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, nhiều trường hợp, cơ quan chủ trì lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi hồ sơ thẩm định chậm, thành phần hồ sơ và chất lượng hồ sơ chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định của Luật năm 2015, trong khi yêu cầu văn bản phải được trình Chính phủ gấp, dẫn đến một số khó khăn cho Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thẩm định, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thẩm định.
Đặc biệt, theo ông Lê Thành Long, ý kiến của thành viên Hội đồng là cơ sở quan trọng để Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Báo cáo thẩm định, nhưng một số trường hợp các cơ quan, tổ chức được mời tham gia Hội đồng thẩm định cử cán bộ tham gia không đúng thành phần hoặc còn ít kinh nghiệm xây dựng văn bản; kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực kinh tế — xã hội còn hạn chế nên chất lượng ý kiến tham gia thẩm định không cao.
Nguồn: vnmedia