Sắp tới, hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập sát chiến đấu thực tế ở Biển Đông — tờ Giải phóng quân Trung Quốc tiết lộ.
Dư luận quốc tế dự đoán, đây là một hành động quân sự đáng quan tâm nhất trong hoạt động huấn luyện sát thực tế chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong năm 2018. Rất có khả năng đây là lần đầu tiên tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc tham gia diễn tập sát thực tế chiến đấu.
Trước đó, ngày 21/3, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc trước đó một ngày đã đi vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, đến trưa ngày 21/3 tiếp tục chạy theo hướng tây nam. Đài Loan cho rằng Trung Quốc đang tiến hành huấn luyện qua nhiều vùng biển.
Một tàu quân sự khác mang tên Hô Luân Hồ — tàu tiếp tế tổng hợp mới được chế tạo riêng cho tàu sân bay đã từ eo biển Đài Loan tiến hành nam tiến. Thông tin này xuất hiện đã lập tức gây chú ý cho dư luận Đài Loan.
Hai ngày sau, ngày 23/3, hải quân Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành diễn tập sát thực tế chiến đấu ở Biển Đông. Khả năng tàu sân bay Liêu Ninh tham gia cuộc diễn tập này đã gây chú ý. Nhìn vào quỹ đạo hoạt động hiện nay của tàu sân bay Liêu Ninh, khả năng tham gia diễn tập rất lớn.
Một khi tàu sân bay Liêu Ninh tham gia diễn tập thì cuộc diễn tập lần này sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong huấn luyện ngoài khơi của tàu Liêu Ninh.
Căn cứ vào thông tin công khai, trước đó, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành 4 lần huấn luyện qua các vùng biển vào cuối năm 2013, cuối năm 2016, tháng 6/2017 và tháng 1/2018.
Ngày 17/1/2018, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết ngày sáng sớm ngày 16/1 tàu sân bay Liêu Ninh đi vào vùng nhân dạng phòng không ở phía tây nam, chạy phía tây đường trung tuyến của eo biển Đài Loan. Trưa ngày 17/1, tàu Liêu Ninh rời khỏi vùng nhận dạng phòng không Đài Loan, tiếp tục chạy hướng bắc.
Chạy qua eo biển Đài Loan đã trở thành hành động quen thuộc của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh. Từ ngày 25/6 đến ngày 16/7/2017, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh gồm tàu Liêu Ninh, các tàu khu trục tên lửa Tế Nam và Ngân Xuyên, tàu hộ vệ tên lửa Yên Đài, nhiều máy bay chiến đấu J-15 và máy bay trực thăng đã đến Hồng Kông tham gia hoạt động chúc mừng tròn 20 năm quân đội Trung Quốc đến đóng ở Hồng Kông.
Khi quay trở về cảng chính, ở khu vực lân cận eo biển Đài Loan, tàu sân bay Liêu Ninh đã triển khai huấn luyện các khoa mục như chuyển sang cấp độ triển khai chiến đấu, thiết lập hệ thống trinh sát, cảnh báo sớm, cho máy bay cất cánh đánh chặn.
Hơn nữa, hành động của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh lần này cách lần trước chỉ 2 tháng, khoảng cách thời gian như vậy là ngắn nhất từ trước đến nay, không bình thường. Một điểm đáng chú ý là hiện nay là thời điểm nhạy cảm của quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan.
Có chuyên gia cho rằng tàu sân bay Liêu Ninh khi đi qua eo biển Đài Loan đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố "mỗi tấc đất của tổ quốc vĩ đại chúng ta đều tuyệt đối không thể bị chia cắt khỏi Trung Quốc" trong lễ bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13 Trung Quốc.
Ngoài khả năng tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh, sau khi thông tin cuộc diễn tập trên Biển Đông được công bố, báo chí đã tập trung quan tâm. Cũng vào ngày 23/3, tàu khu trục tên lửa USS Mustin đã đi vào vùng biển 12 hải lý của đá Vành Khăn (thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp), triển khai hành động tự do hàng hải.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã có phản ứng cho rằng hành động này đã bị các tàu chiến số hiệu 570, 514 hải quân Trung Quốc lập tức tiến hành "nhận dạng, lấy chứng cứ và cảnh báo, xua đuổi".
Trung Quốc còn ra tuyên bố "có chủ quyền" (vô lý, phi pháp) đối với các đảo và vùng biển phụ cận trên Biển Đông. Hành động của tàu chiến Mỹ ở vùng biển lân cận các đảo, đá ngầm trên Biển Đông bị Bắc Kinh hô hoán đã "gây thiệt hại nghiêm trọng cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, vi phạm các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực".
Theo Trung Quốc, cách làm này của Mỹ "phá hoại bầu không khí của quan hệ quân đội hai nước Trung — Mỹ, dẫn tới tiếp xúc cự ly gần giữa lực lượng trên biển, trên không hai nước, rất dễ gây ra phán đoán nhầm, thậm chí những sự kiện bất ngờ trên biển, trên không". Trung Quốc coi đây là "khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng" đối với họ. Quân đội Trung Quốc "kiên quyết phản đối" điều này.
Tuyên bố này của phía Trung Quốc được Sina Trung Quốc ngày 26/3 bình luận là chưa từng có, cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.
Theo thống kê, đây là lần thứ 11 tàu chiến hải quân Mỹ đi vào vùng biển lân cận các đảo, đá ngầm trên Biển Đông. Ngày 17/1/2018, tàu khu trục tên lửa USS Hopper hải quân Mỹ cũng đã đi vào vùng biển lân cận bãi cạn Scarborough, khi đó Trung Quốc cũng đã có các hành động phản ứng tương tự như lần này đối với tàu chiến Mỹ.
Cùng với việc hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập trên Biển Đông, ngày 25/3, người phát ngôn không quân Trung Quốc, đại tá Thân Tiến Khoa công bố, không quân Trung Quốc gần đây tổ chức cho nhiều máy bay quân sự như máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-35 bay đến Biển Đông, tiến hành tuần tra chiến đấu liên hợp. Theo suy đoán, lần tuần tra chiến đấu này cũng xảy ra sau ngày 23/3/2018.
Nguồn: viettimes