Ngày 27-3, Tiến sĩ (TS) Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, đã đưa ra một số quan điểm về bộ phim "Điệp vụ Biển đỏ" gây xôn xao dư luận thời gian gần đây bởi những bối cảnh và câu thoại về Biển Đông trong phim.
Theo TS Trần Công Trục, trong bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" có đoạn kết nhắc đến "lãnh hải" trong vùng biển mà Trung Quốc gọi là "Nam Hải" hay "South China Sea".
"Về nội dung này, dư luận cho rằng đạo diễn phim cố tình dàn dựng để phát đi thông điệp "Nam Hải" (tiếng Trung Quốc), "South China Sea" (tiếng Anh) là lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc"- ông Trần Công Trục nói.
Theo phân tích của nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, căn cứ vào chiến lược độc chiếm Biển Đông mà Trung Quốc từng công khai và đang tìm mọi cách để hiện thực hóa chủ trương chiến lược đó, thì suy luận ra rằng nếu Việt Nam cho công chiếu bộ phim tức là mặc nhiên công nhận Biển Đông là của Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trần Công Trục cũng cho rằng cũng cần có đánh giá khách quan, toàn diện hơn trong trường hợp cụ thể của đoạn kết bộ phim. Cụ thể, đoạn kết với tình huống và quang cảnh được dàn dựng như sau: Tàu Hải quân Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và thấy một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét; loa từ tàu Trung Quốc phát ra:
"Chú ý, đây là Hải quân Trung Quốc. Qúy vị sắp tiến vào lãnh hải Trung Quốc, xin hãy rời đi ngay lập tức!".
Theo ông Trần Công Trục, Biển Đông là vùng biển có nhiều tên gọi khác nhau. Trung Quốc gọi là "Nam Hải", người phương Tây gọi là "South China Sea", Việt Nam gọi là Biển Đông…
"Mặc dù Trung Quốc có dụng ý dùng tên gọi "Nam Hải" hay biển "Nam Trung Hoa" để nhận vơ quốc tế thừa nhận vùng biển này là của Trung Quốc. Nhưng dưới góc độ luật pháp thì tên gọi không có giá trị về mặt chủ quyền đối với một vùng biển"- ông Trục phân tích.
Bên cạnh đó, ông Trục cho rằng phải cảnh giác để không rơi vào "cạm bẫy" bất lợi cho cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển.
Do đó, TS Trần Công Trục đề xuất cơ quan quản lý nhà nước cần có quy chế và cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tập trung, thống nhất đối với mọi sản phẩm, ấn phẩm có nội dung liên quan đến vấn đề chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Trong trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự nghiệp đấu tranh vảo vệ chủ quyền thì cần có chế tài đặc biệt để xử lý nghiêm minh.
Phim "Điệp vụ biển Đỏ" được Công ty CGV Việt Nam phát hành, sau khi Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa — Thể thao và Du lịch) cấp phép, từ ngày 16-3. Đến 24-3, nhà phát hành phim tuyên bố ngừng chiếu trên toàn quốc với lý do phim rất ít người xem.
Ngày 26-3, Cục Điện Ảnh (Bộ Văn Hóa — Thể thao — Du lịch) phát đi thông cáo khẳng định bộ phim "Điệp vụ Biển Đỏ" không mang ý nghĩa tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, và quyết định dừng chiếu phim hoàn toàn đến từ nhà phát hành.
Theo nội dung thông cáo, 36 giây cuối phim có hình ảnh thể hiện tàu của Trung Quốc về tới lãnh hải Trung Quốc trong khu vực Biển Đông và phát hiện ra một vài chiếc tàu từ xa, hình dáng không rõ nét. Loa từ tàu của Trung Quốc phát ra thông điệp rằng:
"Chú ý, đây là hải quân Trung Quốc. Quý vị sắp tiến vào lãnh hài Trung Quốc, xin hãy đi ngay".
Bộ cho rằng toàn bộ phần hình ảnh, âm thanh và lời thoại kể trên không có căn cứ để kết luận rằng Điệp vụ Biển Đỏ có liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo.
Ngoài ra, Cục Điện Ảnh cho biết quy trình thẩm định, phân loại và cấp giấy phép phổ biến phim dành cho Điệp vụ Biển Đỏ cũng hoàn toàn diễn ra đúng quy trình. Ngày 2-3, Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện với 7-11 thành viên đã theo dõi và thẩm định tác phẩm (4 thành viên vắng mặt có lý do).
Theo: NLĐ