Có rất nhiều vụ việc thực ra có nguồn gốc rõ ràng, rành mạch nhưng lại bị hiểu lầm hoặc bị thổi phồng để rồi khiến dư luận nhìn về VFF với ánh mắt không mấy thiện cảm.
Chẳng hạn như việc Thường trực VFF đã lấy ý kiến đầy đủ từ các Ủy viên Thường trực về vấn đề cử nhân sự sang tham gia HĐQT VPF nhiệm kỳ 2017-2020, nhưng một số ý kiến lại nói rằng chưa được hỏi, hoặc vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính và vận động tài trợ thực ra có tới 4 ứng viên song do có 3 người rút lui không ứng cử nên chỉ còn một ứng viên là ông Trần Anh Tú, chứ không phải Tiểu ban Nhân sự VFF hay cá nhân ông Tú đạo diễn để có kịch bản "đường đua độc mã" như vậy.
Bên cạnh đó, phương pháp tấn công "truyền thống" là gửi đơn thư khiếu nại tố cáo cũng được sử dụng triệt để, mà đơn thư không chỉ xuất hiện trong thời gian gần diễn ra Đại hội mà đã có từ rất lâu trước đó và kéo dài dây dưa cho đến tận bây giờ.Tuy nhiên, nếu chỉ như thế thì cũng vẫn chưa xứng đáng để gọi là đòn hiểm, dù rằng kể từ Đại hội khóa V diễn ra năm 2005 cho đến nay thì người ta mới lại được thấy những màn tấn công không ngừng với hình thức cực kỳ đa dạng trước thềm Đại hội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có những cá nhân thậm chí còn dự tính kế hoạch "nổ bom" dữ dội hơn nữa nhằm mục đích hạ gục đối thủ của mình, cho dù kế hoạch này có thể sẽ khiến cả người tấn công lẫn người bị tấn công phải rơi vào cảnh "đồng quy ư tận".
Tuy nhiên, tất cả những ứng viên đang vận động cũng như tấn công ráo riết nhất hình như lại quên mất một điều quan trọng rằng họ chưa cho người ta thấy được rằng bóng đá Việt Nam sẽ được lợi gì nếu như bầu họ ngồi vào cương vị lãnh đạo, mà điều này thì lại có ý nghĩa quyết định, bởi chỉ có 66 tổ chức thành viên của VFF mới được quyền bỏ phiếu để lựa chọn lãnh đạo VFF, và chắc chắn 66 tổ chức thành viên này sẽ chỉ lựa chọn những cái tên mà họ kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho tổ chức của họ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, chứ không phải sẽ bầu cho những ai vì tham vọng cá nhân mà bất chấp mọi thủ đoạn.
Theo: Thể Thao Văn Hóa