Mới đây, kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục — Đào tạo cho thấy, trong 94 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư được rà soát, có 41 hồ sơ chưa đủ điều kiện để công nhận.
Theo đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không đủ điều kiện để nhận học hàm giáo sư theo quy định hiện hành.
Trả lời VTC News về vấn đề này, GS.TS Phùng Đắc Cam cho biết: "Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm 2017 là điều khó giải thích. Trước đó, bà Tiến được 3 cấp hội đồng từ hội đồng cơ sở, hội đồng ngành đến hội đồng Nhà nước đồng ý đủ tiêu chuẩn, chỉ có Bộ GD-ĐT là không đồng ý. Tôi thấy việc này là chưa thỏa đáng, chưa thuyết phục".
Theo ông Cam, GS là nhà khoa học, làm công tác giảng dạy và đào tạo ra các cán bộ khoa học và người nghiên cứu khoa học (NCKH). Ngoài ra, họ còn có chức năng NCKH, lãnh đạo khoa học, nghiên cứu và đề ra các ý tưởng.
"Tôi bảo vệ GS ở Thụy Điển. Tuy nhiên, vấn đề phong hàm GS ở đây không nặng nề như ở Việt Nam. Hiện, Việt Nam yêu cầu quá nhiều giờ giảng dạy, đến 200-300 giờ. Trong khi đó, nước bạn chỉ yêu cầu 50 giờ giảng dạy là cùng. Ở đây có một sự khác biệt rất lớn", TS Cam nói.
Qua vụ việc này, ông Cam thấy hội đồng xét duyệt quá chuyên về giảng dạy. Từ chỗ đi giảng nhiều mới sinh ra chuyện giờ giảng, xem có giảng dạy hay không. Chú ý đến vấn đề này thành ra quá đà.
"Tháng 10/2013, Bộ trưởng Tiến lần đầu được ĐH Oxford trao chức danh giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm. Khi đó, bà là người Việt Nam đầu tiên được nhận chức danh này từ ngôi trường nổi tiếng thế giới. Lần thứ hai, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến được Đại sứ quán Vương quốc Anh trao chức danh giáo sư thỉnh giảng của Đại học Oxford là ngày 10/3/2017, trong giai đoạn từ 2016-2021", TS Cam nhấn mạnh.
GS Phùng Đắc Cam thắc mắc, ít GS được Đại học Oxford mời làm thỉnh giảng. Vậy tại sao ở Việt Nam lại hẹp hòi chuyện phong GS cho bà Tiến như vậy?
Khi được hỏi về thành tích của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, ông Cam cho biết:
"Bà Tiến là người rất giỏi khi 25 năm làm công tác chuyên môn. Bà còn có nhiều thành tích trong nghiên cứu, lãnh đạo nhiều đề tài NCKH trong lúc đang làm chuyên môn.
Hơn nữa, bà Tiến rất giỏi ngoại ngữ, nói tốt tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong các cuộc họp quốc tế, bà Tiến đều trình bày báo cáo bằng tiếng Anh rất tốt. Đối với một GS, trình độ ngoại ngữ của bà Tiến xứng đáng để được phong hàm GS".
Theo: VTCNews