Chuyến thăm diễn ra đúng lúc căng thẳng quan hệ Mỹ- Trung đang gia tăng, càng nhấn mạnh quyết tâm của Trung Quốc "bắt tay hợp tác" với các nước láng giềng, bất chấp những mâu thuẫn về các vấn đề lãnh thổ, ông Andrey Karneev, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Á- Phi thuộc Trường đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva (MGU) đã trả lời bình luận với Sputnik.
"Trung Quốc luôn ủng hộ việc thiết lập nền kinh tế thế giới cởi mở hơn", ông Vương Nghị tuyên bố. Theo ông, chủ nghĩa bảo hộ thương mại không chỉ ảnh hưởng đến những quốc gia bị áp dụng các biện pháp hạn chế, mà còn tác động tiêu cực lên chính những nước ban hành bảo hộ mậu dịch. Mặc dù không nêu thẳng tên Hoa Kỳ, nhưng thông điệp gửi đi là rất rõ ràng — bất kỳ nỗ lực nào của phía Chính phủ Mỹ đưa ra, nếu các biện pháp trái với quy định của WTO, Trung Quốc sẽ đáp trả tương xứng. Đồng thời, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng nhấn mạnh rằng, về nguyên tắc, việc giải quyết tranh chấp thương mại phải phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế thông qua các cuộc tham vấn công tư phân minh. Trái với chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ, ông Vương Nghị đã khẳng định sự cởi mở là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của các tiểu vùng kinh tế.
Trong các cuộc tiếp xúc với đại diện giới lãnh đạo Việt Nam, Bộ trưởng Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã sẵn sàng thúc đẩy các trao đổi ở cấp độ cao, tăng cường phát triển hợp tác chiến lược toàn diện và tạo điều kiện hợp tác thực tế với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Vấn đề cấp thiết liên quan các tranh chấp về chủ quyền một số hòn đảo ở Biển Đông hoàn toàn không bị lãng quên. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng các vấn đề biển đảo cần phải có sự kiềm chế và thận trọng cũng như hai bên phải nỗ lực tìm ra các biện pháp để phát triển chung các nguồn tài nguyên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác toàn diện. Tổng quát thì, lý lẽ phát biểu của Bộ trưởng Trung Quốc rất thân thiện trên tinh thần hợp tác xây dựng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã có những nỗ lực tích cực thiết lập quan hệ láng giềng tốt với các nước ASEAN, những quốc gia còn hằn sâu biết bao di sản lịch sử phức tạp, cũng như quan ngại sự bành trướng kinh tế của Trung Quốc. Bằng cách tập trung vào các nguyên tắc các bên cùng có lợi, Trung Quốc đang cố gắng đánh tan những mối lo ngại này. Mặc dù, tất nhiên, chỉ khi có thấy được sự thành công của các dự án, thực hiện chương trình hành động chung, minh bạch các kế hoạch, hay việc Trung Quốc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường mới là phương cách tốt nhất giải quyết vấn đề "chủ nghĩa bài Trung Quốc". Đối với Bắc Kinh, nhận được sự ủng hộ của tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương vào dự án "Một vành đai — một con đường" là cực kỳ quan trọng vì đây được xem là sự đóng góp của Trung Quốc vào sự phát triển chung của Đông Nam Á — nhà Trung Quốc học Andrey Karneev nhận định với Sputnik.
Trung Quốc đánh giá tình hình ở Đông Nam Á và vai trò của Mỹ trong khu vực như thế nào? Câu hỏi này đã được chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Nam Thái Bình Dương của Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc Shen Shishun trả lời.
Một mặt, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cao tình hữu nghị giữa các nước ASEAN, chúng tôi ủng hộ củng cố sự tin tưởng lẫn nhau thông qua việc hợp tác. Mặt khác, các quốc gia ASEAN đều nhận thức được rằng, Trung Quốc không phải là mối đe dọa, rằng Trung Quốc mang đến cơ hội phát triển cho các quốc gia Đông Nam Á. Chúng tôi có một số điểm bất đồng với các quốc gia ASEAN, và nếu các bất đồng tạm thời chưa được tháo gỡ ở thời điểm hiện tại, chúng có thể được hoãn lại cho đến khi các điều kiện giải quyết chúng chín muồi. Tuy nhiên những bất đồng có thể cản trở và chia rẽ các quốc gia, biến các chính phủ riêng rẽ thành những con tốt trong chiến dịch chống Trung Quốc. Điều này là không thể chấp nhận được.
Sau khi chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, quan hệ của Trung Quốc và các nước láng giềng đã phát triển tích cực hơn. Ông Tập Cận Bình đặc biệt giành sự chú ý đến mối quan hệ với Việt Nam. Chuyến thăm lần này của ngoại trưởng Vương Nghị đến Việt Nam đã đặt nền móng cho sự tiến trình củng cố tình hữu nghị giữa Hà Nội và Bắc Kinh, tạo điều kiện cho việc thực hiện các thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước.
Theo ý kiến các chuyên gia Trung Quốc, tình hữu nghị với Việt Nam là quan trọng đối với việc hiện thực hóa sáng kiến "Một vành đai — một con đường" — theo ông Shen Shishun.
Chiến lược "Hai hành lang và một vòng tròn kinh tế" của Việt Nam và chiến lược "Một vành đai — một con đường" của Trung Quốc bổ sung tuyệt vời cho nhau, cho phép liên kết những điều kiện địa lý và xã hội mang lại nhiều lợi ích, việc kết hợp hai chiến lược này sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của Việt Nam. Phía Việt Nam cũng thấy được những khả năng này. Việc ủng hộ sáng kiến "Một vành đai — một con đường" là một quyết định sáng suốt. Trung Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ không những với Việt Nam mà còn với các quốc gia khác trong ASEAN. Trong 10 năm Trung Quốc là đối tác thương mại chính với các quốc gia ASEAN, và ASEAN cũng có 7 năm là đối tác lớn thứ 3 về thương mại với Trung Quốc.