Ngồi nói chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Ánh Thu, du học sinh cao học năm thứ 2, chưa hết bàng hoàng khi kể về đêm xảy ra vụ cháy. Có thể nói Thu là một trong những người đầu tiên trong nhóm sinh viên Việt Nam tú túc ở chung cư Ratchathewi nhìn thấy ngọn lửa.
Chính Thu không hiểu vì sao cô giật mình dậy lúc khoảng 2 giờ, có lẽ là do tiếng kêu la ở phía ngoài cửa. Nghe tiếng kêu la, Thu nghĩ có một vụ ẩu đả giữa những người Thái nên không để ý. Sau đó, tiếng kêu la dữ dội hơn, Thu bật dậy và mở cửa ra ngoài xem, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt cô là khói ở ngay phòng kế bên bốc ra cùng với ngọn lửa cháy ngùn ngụt. Cô hoảng loạn, chạy vào và gọi người bạn cùng phòng xếp đồ đạc. Vớ được gì thì vớ và cả hai cùng chạy ra cầu thang thoát hiểm. Vừa chạy thoát thân, Thu vừa gọi điện để báo cho những sinh viên khác vì cô biết họ đang ngủ. Nếu không đánh thức họ dậy thì không biết chuyện gì xảy ra.
"Chúng tôi chẳng biết gì, thấy lửa là phải chạy. Xuống được tầng dưới thấy khói vẫn bốc lên, như thể cả tòa nhà bị cháy. Hệ thống đèn điện tắt hết, vừa khói vừa tối, chúng tôi chẳng còn định được hướng đi. Nhưng may thay chạy đến tầng thấp hơn thì không còn thấy khói nữa", Thu kể lại.
Thu nhớ lại, lúc xảy ra cháy, cô không có cảm giác gì ngoài chuyện phải thoát thân nhưng khi xuống dưới đất và thoát ra khỏi tòa nhà cô mới định thần và cảm thấy kinh hoàng.
"Chỉ cần chạy chậm một chút và mắc kẹt trên tòa nhà, tôi không biết chuyện gì xảy ra với mình. Tự nhiên nghĩ đến điều này tôi lại sợ, sợ vụ Carina (vụ cháy chung cư Carina Palaza ở Q.8, TP.HCM) lập lại với chúng tôi ngay tại Thái Lan này", Thu nói.
Phan Văn Bách, sinh viên cao học ngành xây dựng, may mắn hơn những sinh viên khác ở chung cư Ratchathewi. Bách cho biết khu anh ở không xảy ra hỏa hoạn nhưng cả khu cũng báo động và mọi người phải di tản. Bách xuống dưới đất và gọi điện cho hai người bạn ở tầng 12 của khu cháy. Anh biết chắc bạn của mình rất lo lắng, và như anh dự đoán, cả hai người bạn đang vô cùng hoảng loạn. Bách hướng dẫn họ lấy khăn ướt che mặt và ra ngoài ban công. Ở đó, họ cũng không an toàn vì khói theo đường ống từ phía dưới bay thẳng lên.
"Họ bắt đầu mất bình tĩnh, cầu cứu tôi vì gần như họ chẳng còn không khí để thở mỗi khi gió thổi, kéo theo khói vào phía họ đứng. Tôi bảo họ chạy ra ngoài phòng để di chuyển về hướng ít khói, nhưng đều vô nghĩa. Khói lùa vào phòng nhiều hơn. Tôi cứ tưởng sẽ không còn gặp mặt họ nếu như tình hình cứ tiếp diễn. May thay, lực lượng cứu hộ lên kịp thời. Họ dẫn hai người bạn tôi xuống. Cứ xuống được một tầng là họ dừng để thở thông qua lỗ thông hơi. Cứ như thế, 12 tầng họ đã xuống đất an toàn, không ai bị vấn đề gì nghiêm trọng, ngoài trừ một chút khói vào bên trong", Bách nhớ lại câu chuyện.
Phan Hồng Trúc thì có một cảm giác khác bởi cô ở cùng với 2 người bạn khác cũng là sinh viên ở tầng cao hơn, nơi thu hút luồng khói đen được đẩy lên từ phía dưới. Trúc cho biết khi phát hiện có hỏa hoạn, cô chỉ mất bình tĩnh một chút, sau đó, Trúc định thần và tự hành động để cứu mình. Đầu tiên, Trúc nhúng khăn ướt làm khẩu trang để che mặt và mũi. Cô cũng yêu cầu 2 người bạn chung phòng làm tương tự. Rồi cả ba cùng nắm tay nhau ra khỏi phòng, bởi cô biết không thể ở phòng để tránh lửa được. Ngọn lửa hoặc khói có thể ập vào và cả ba sẽ chết ngạt. Lúc này, ngoài hành lang khói tỏa ra nghi nghút, không thấy mặt người.
Trúc dẫn đường và yêu cầu 2 người bạn kia đi theo. Họ chọn lối thoát hiểm là cầu thang đứng được lắp đặt phía ngoài tòa nhà. Cầu thang bộ vốn là lối thoát nhưng đã trở nên nguy hiểm vì đầy khói. Cả 3 bắt đầu leo xuống cầu thang từ tầng 8 và từng bước từng bước, xuống đến tầng 7, cả 3 dừng lại và thở. Sau đó, lại leo ra phía ngoài để tiếp tục đi xuống, mắt nhìn thẳng vào cầu thang, không dám nhìn xuống dưới, bởi chỉ cần có cảm giác sợ hãi là họ không thể bước tiếp và nguy hiểm hơn có thể rơi từ trên cao xuống. Cứ như thế, cả 3 cô gái đi chung với nhau, người trước nắm tay người sau và thoát khỏi tòa nhà đang nghi nghút khói.
"May mà tôi có kiến thức đối phó với hỏa hoạn. Trước đó, trường đã có buổi huấn luyện nên khi gặp sự cố cháy tôi đã rất bình tĩnh. Biết cách đối phó và giúp người khác. Không phải ai cũng có được cơ hội như tôi", Trúc tâm sự khi cô đến thăm một người bạn chung phòng đang điều trị ở bệnh viện Chulalongkorn. Cô sinh viên năm thứ hai này nói hai người bạn chung phòng của cô vì không biết cách đối phó, thay vì tìm cách thoát thân thì họ cố thủ trong phòng.
Trúc vừa kể vừa chỉ tay về phía hai người bạn nữ đang nằm trong tình trạng ống dẫn oxy được truyền ở miệng và dưỡng chất được truyền qua đường mũi. Trúc nói họ bị khói xâm lấn cổ họng và phổi vì ở trong phòng cố thủ hơn 2 giờ đồng hồ trước khi được đội cứu hộ đến giúp đưa ra ngoài. Bác sĩ chẩn đoán cả hai không nghiêm trọng, nhưng phải nằm viện để hút khói bên trong cơ thể họ ra.
Nguồn: thanhnien