Từ năm 2013, thị trường cà phê Việt Nam thực sự nóng lên khi Starbucks bắt đầu gia tăng sự hiện diện của mình và tiếp đến là chuỗi cà phê đến từ Hàn Quốc Coffee Bene, thương hiệu đến từ Mỹ PJ's Coffee cùng chuỗi trong nước như The Coffee House, Trung Nguyên, Highlands, Phúc Long, Passio…
Ngay cả doanh nghiệp từ trước đến nay chưa tham gia trồng, chế biến cà phê cũng công bố bỏ vốn đầu tư, với tham vọng chia lại thị trường.
Doanh nghiệp "ngoại đạo" tham vọng xuất khẩu
Được biết đến với "chuyên môn" mở chuỗi quán cà phê, đầu năm 2018, The Coffee House công bố mua lại trang trại, kho, hệ thống rang xay để bắt đầu trồng cà phê tại Đà Lạt. Mới chỉ sở hữu 33 ha trồng cà phê, nhưng CEO Nguyễn Hải Ninh khẳng định đây là bước đi đầu tiên để hướng tới mục tiêu xuất khẩu trong 5 năm tới.
Nguyễn Hải Ninh cũng tự tin cho rằng có thể trong tương lai gần nhất, diện tích cà phê doanh nghiệp này sở hữu sẽ tăng mạnh hàng nghìn ha. Bởi doanh nghiệp quyết tâm chinh phục mục tiêu trồng và xuất khẩu ngành hàng này.
Thể hiện tham vọng mạnh mẽ hơn, năm 2017, NutiFood, doanh nghiệp chưa hề tham gia thị trường cà phê, đã công bố đầu tư 1.000 tỷ đồng trồng cà phê tại tỉnh Đăk Lăk.
Với khoản đầu tư này, công ty sữa cho biết sẽ phát triển ngành cà phê từ cây giống, trồng, thu hoạch, xây dựng nhà máy chế biến cà phê cao cấp… để nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm sau cùng. Công ty sẽ tận dụng kênh phân phối có sẵn để đẩy mạnh khai thác thị trường xuất khẩu.
Trả lời hoài nghi chuyện một doanh nghiệp ngoại đạo đổ vốn nghìn tỷ vào cà phê, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, cho rằng công ty có tầm nhìn về việc cho ra đời những sản phẩm cà phê sạch, hữu cơ. Doanh nghiệp sẽ tiến tới đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu cà phê thành phẩm chất lượng cao, trước mắt nhắm đến 2 thị trường Nhật và Mỹ.
Đi trước một bước, Starbucks sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam đã công bố bán dòng cà phê Việt Nam với tên gọi "DaLat Blend" tại hơn 21.500 cửa hàng ở 56 quốc gia của chuỗi cà phê này. Đây là dòng sản phẩm cao cấp, một gói cà phê bột khoảng 250 gr bán với giá 12,5 USD (tương đương hơn 280.000 đồng). Vùng đất trồng ra loại cà phê được giới thiệu là thượng hạng này chính là Đà Lạt (Lâm Đồng).
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội cà phê Việt Nam cho biết cả nước có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu và 3.000 đại lý thu mua cà phê, nhưng chỉ 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu.
Cuộc chiến khốc liệt ở chuỗi quán cà phê
Thời điểm Starbucks vào Việt Nam với ầm ĩ các hoạt động truyền thông thu hút khách hàng cũng là lúc 2 chuỗi cà phê nội, là Phúc Long và The Coffee House ra mắt. Không ồn ào như Starbucks, nhưng Phúc Long lại khiến khách hàng, nhất là giới trẻ, mê mẩn với menu thức uống đa dạng, giá cạnh tranh nhưng cửa hàng hiện diện ở hầu hết vị trí đắc địa tại trung tâm TP.HCM.
The Coffee House không đầu tư cửa hàng tại những vị trí vàng, mà ghi điểm bằng thiết kế quán trẻ trung, ấn tượng, phù hợp với giới trẻ. Giá thức uống cũng ở mức khách hàng trung cấp chấp nhận.
Tính đến hiện tại, hệ thống Highlands đang sở hữu số lượng quán nhiều nhất với gần 150 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành. Starbucks có khoảng 30 cửa hàng, Trung Nguyên hơn 60 cửa hàng, The Coffee House 80 cửa hàng, Urban café gồm 30 cửa hàng…. Chưa có chuỗi nào bày tỏ ý định dừng ở con số nhất định mà tiếp tục có kế hoạch đầu tư để mở rộng và phát triển.
CEO The Coffee House Nguyễn Hải Ninh cho biết ước thị trường có khoảng 20.000 quán cà phê lớn nhỏ và vẫn đang còn dư địa phát triển. Chuỗi cà phê này dự kiến mở đến 2.000 quán trong 5-10 năm tới.
Mỗi người Việt tiêu thụ 1,38 kg cà phê/năm
Báo cáo cũng cho biết sản lượng tiêu thụ cà phê rang xay của Việt Nam niên vụ 2017-2018 ước khoảng 2,55 triệu bao, do sự phát triển nhanh chóng của các cửa hàng cà phê.
Riêng với thị trường cà phê hòa tan, nếu trước đây chỉ xoay quanh 3 đại gia Vinacafe Biên Hoà, Nestlé và Trung Nguyên thì này thêm nhiều đối thủ như TNI (King coffee), Ajinomoto (Birdy), PhinDeli…
Theo: NLĐ