Tận thu
Giữa năm 2017, Bộ Tài chính đã đưa hàng trăm mặt hàng từ phân bón, xe bán tải, trà, cà phê, nước sạch… vào diện phải chịu thuế hoặc tăng thuế suất tại dự thảo sửa đổi 5 luật thuế (sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 tới).
Việc sửa đổi, bổ sung cùng lúc các luật về thuế với một loạt đề xuất từ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) đến giá trị gia tăng (VAT)… với tần suất dày đặc đang quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp (DN).
Đầu tiên phải kể đến thuế VAT, một sắc thuế tác động toàn diện tới hơn 90 triệu người dân VN. Cơ quan soạn thảo muốn tăng mức thuế suất mặt hàng phổ biến từ 5 lên 6%; đối với các mặt hàng đặc biệt khác tăng từ 10 lên 12%; đồng thời đưa thêm phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ… vào diện chịu thuế.
Chỉ tính riêng mặt hàng phân bón từ diện không phải chịu thuế nay gánh từ 5 — 10%, mỗi ký phân bón đang có giá khoảng 7.000 đồng, nay người nông dân phải trả thêm từ 350 — 700 đồng. Tương tự là nước sạch, mức thuế suất 5% được đề xuất tăng lên 10%. Tức mỗi mét khối nước với giá 10.000 — 15.000 đồng, sẽ tăng thêm từ 500 — 1.000 đồng. Đây là mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân, dù người nghèo có được hỗ trợ theo chính sách an sinh của nhà nước thì mức tăng thuế đối với nước sạch khiến chi phí đội lên, cuộc sống của họ sẽ càng vất vả hơn.
Cũng trong dự thảo sửa đổi
5 luật thuế, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng thuế TTĐB đối với nhiều mặt hàng, đặc biệt đưa nước ngọt, trà, cà phê dạng lon, đóng gói công nghiệp vào diện chịu thuế với thuế suất 10%. Nói nôm na, với mỗi lon nước ngọt hay lon cà phê giá 10.000 đồng, người tiêu dùng phải gánh thêm 1.000 đồng. Lý do đánh thuế dựa trên lo ngại về căn bệnh béo phì, nhưng trong tài liệu giải trình không có bất cứ cơ sở khoa học nào đủ sức thuyết phục.
Ngày 1.7 tới, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đồng ý, thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tăng từ mức 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít. Như vậy, mỗi lít xăng dầu hiện tại ngoài thuế VAT, TTĐB, trích quỹ bình ổn… người tiêu dùng lại phải gánh thêm 1.000 đồng. PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, việc ồ ạt tăng thuế đang cho thấy chính sách của nhà nước quá tận thu, chưa chú trọng đến nuôi dưỡng nguồn thu, khiến cho chi phí của người dân đội lên cao, trong khi mức thu nhập còn đang quá thấp.
Sốc với thuế tài sản
Ngày 13.4, Bộ Tài chính công bố dự thảo dự án luật Thuế tài sản để trình Chính phủ đề nghị QH bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Đáng chú ý, trong dự thảo, bộ này nghiêng về đề xuất đánh thuế đối với mọi chủ sở hữu nhà (gồm cả chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh…) có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Mức thuế suất mà Bộ Tài chính đưa ra là 0,3% hoặc 0,4% cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Với đất ở cũng phải chịu thuế. Cụ thể, sẽ có 2 phương án xác định giá để tính thuế. Phương án 1 theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Phương án 2 tính theo giá 1 m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Theo tính toán, nếu áp dụng mức thu thuế nói trên, hằng năm ngân sách sẽ thu về khoảng 31.000 tỉ đồng và là loại thuế thu hằng năm.
Như vậy, với một căn nhà khoảng 25 m2 vị trí trung tâm Q.Ba Đình (Hà Nội), có giá 50 triệu đồng/m2, với thuế suất sử dụng đất nông nghiệp 0,03% hiện tại, mức thuế phải nộp là 375.000 đồng/năm. Trong khi đó, theo dự thảo luật mới, với thuế suất 0,3% mức thuế sử dụng đất là 3,75 triệu đồng/năm. Chưa hết, nếu căn nhà có giá xây dựng khoảng 1 tỉ đồng, người sở hữu phải gánh thêm (1 tỉ — 700 triệu = 300 triệu x 0,3% = 900.000 đồng/năm). Tổng cộng 1 năm mức thuế theo dự thảo luật thuế Tài sản là 4,65 triệu đồng, gấp 12,4 lần so với mức cũ.
Phó trưởng ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ, người từng có nhiều năm làm Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính — Ngân sách của QH, cho biết việc đánh thuế nhà ở đầu tiên với mức giá sàn 700 triệu đồng là không hợp lý, cần phải xem xét lại. Bởi nhà ở xã hội của người nghèo hiện nay đã có mức giá 800 — 900 triệu đồng, trong đó nhà nước có trợ cấp lãi suất. "Đầu này hỗ trợ, đầu kia lại đánh thuế. Chính sách như vậy sẽ dẫn đến mâu thuẫn, ngược chiều nhau, phức tạp hóa và không hỗ trợ được người nghèo, người khó khăn", ông Thụ nói.
Nguồn: thanhnien