Ngày 12-04 sau cuộc họp tại Nhà Trắng các thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà đã thông báo về thay đổi trong quyết định của Tổng thống Trump về thoả thuận Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, Tổng thống Mỹ D. Trump đã chỉ đạo Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tìm hiểu các lựa chọn khác nhau để tái tham gia thoả thuận.
Sputnik vừa có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT BIDV & Giám đốc Trường Đào tạo BIDV về vấn đề này.
Sputnik: Tổng thống Mỹ vừa ra lệnh cho các quan chức hàng đầu thương lượng để tham gia trở lại TPP mà Washington rút vào năm ngoái. Ông có bình luận gì về động thái này của Trump? Theo ông thì vì sao Trump lại làm vậy?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng, đây là động thái tích cực. Cả về góc độ cả kinh tế, cả chính trị, chúng ta hoan nghênh việc này. Tuy nhiên, ông Trump cũng có viết lại trên Twitter nói rõ hơn là với điều kiện đàm phán sẽ có lợi hơn cho Mỹ và so với trước đây, khi tổng thống Obama đã từng đàm phán. Như vậy là họ vẫn mong muốn đàm phán lại. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là Trump hay có thay đổi quyết định. Ta thấy cách đây một năm ông ta tuyên bố rút, và giờ thì đàm phán lại, trong khi các nước vừa chốt xong. Điều đó khiến chúng ta có quyền nghi ngờ về tính kiên định chính sách, kiên định lời nói của tổng thống Trump. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng ta hoan nghênh động thái đó, vì Mỹ là một đối tác rất là quan trọng trên thế giới cũng như là trong khối CPTPP. Nếu Mỹ quay trở lại thì CPTPP sẽ có 12 nước, sẽ chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại toàn cầu, so với cái mức khoảng 10 tới 13% hiện nay. Rõ ràng đây là sự đóng góp rất là lớn. Thứ hai là, với sự tham gia của Mỹ thì vị thế, tính cam kết trong khối CPTPP sẽ ở mức cao hơn và quyết liệt hơn. Và thứ ba là với sự tham gia của Mỹ thì sẽ hấp dẫn hơn để các nước khác muốn tham gia. Nhưng tất nhiên, chúng ta phải chờ đợi tiếp, bởi vì như tôi phân tích, chúng ta có quyền nghi ngờ về tính kiên định của tổng thống Trump.
Tôi hiểu rằng tổng thống Trump muốn có được báo cáo sớm để sớm đưa ra thông báo hay quyết định ở mức độ chắc chắn hơn và đầy đủ hơn.
Sputnik: Nếu Mỹ gia nhập trở lại thì cơ cấu và nội dung của TPP sẽ có thay đổi gì không, theo ý kiến của ông?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng là nó sẽ có thay đổi, nhưng không nhiều lắm, bởi vì CPTPP về cơ bản là có 20 điều khoản được hoãn có hiệu lực, cộng với khoảng 4 điều khoản khác sẽ tiếp tục được đàm phán sau. Những điều khoản này liên quan đến những lĩnh vực mà trước đây Mỹ rất quan tâm. Đó là sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và giải quyết tranh chấp, đặc biệt giữa nhà đầu tư và chính phủ các nước. Thì rõ ràng là, nếu như bây giờ Mỹ quay trở lại, sẽ phải đàm phán lại những điều kiện, điều khoản đó. Và có thể, cả những điều kiện, điều khoản thương mại khác trong những lĩnh vực mà Mỹ quan tâm, chẳng hạn như là nông nghiệp, sắt thép, có thể Mỹ sẽ yêu cầu đàm phán thêm. Nhưng tôi cho rằng, nếu như vậy, thì đó sẽ là qua trình tương đối gay góc và lâu dài.
Sputnik: Có ý kiến cho rằng, Mỹ làm như vậy để chống lại Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Thực ra thì chúng ta cũng rất khó phán đoán với ý đồ của tổng thống Trump. Nhưng cũng có quyền để đặt giả thiết rằng, đấy là một chủ ý của tổng thống Trump khi mà ông ấy tuyên bố quay lại đàm phán và gia nhập CPTPP. Đó cũng có thể là hình thức đưa thêm điều kiện để mặc cả với Trung Quốc trong bối cảnh đang đấu khẩu về chiến tranh thương mại trong thời gian vừa qua cũng như là sắp tới.