Cú gạt tay thẳng thừng của bầu Tú
Ngay khi vừa được đề cử sang làm người đại diện của VFF cho số cổ phần tại công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam — VPF, ông Trần Anh Tú được bầu vào chức danh Chủ tịch HĐQT. Rồi ngay sau đó, ông được chọn làm TGĐ và quyết định đầu tiên trên cương vị này đó là xóa sổ Ban tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp để thay bằng Ban điều hành, do chính ông làm Trưởng ban. Nói cho dễ hiểu: Với 3 chức vụ nói trên, ông Tú là người ra quyết định, cũng là người triển khai và kiêm luôn người thực hiện.
Đây là những điều bất thường, lần đầu tiên xảy ở công ty được lập ra để quản lý, điều hành các giải chuyên nghiệp trong 6 năm hoạt động.
Điều bất thường thứ nhất: Ông Tú là "người của VFF", thế nên chẳng cần đoán cũng biết là VFF đang kiểm soát hoàn toàn VPF, điều này đi ngược với nguyên tắc hoạt động cũng như nguyên nhân ra đời của VPF.
Ngay tại cuộc họp báo đầu tiên hôm ra mắt công ty vào ngày 14.12.2011, bầu Kiên — Phó Chủ tịch VPF — nói rằng, công ty chỉ chịu sự giám sát chứ không phải thành viên, không phụ thuộc VFF. Tiếc là tuyên bố này của bầu Kiên đã không được "hợp pháp hóa" đưa vào Điều lệ hoạt động VPF. Rất khó hiểu khi các cổ đông và Hội đồng quản trị của VPF lại đồng ý để đại diện của VFF giữ các chức vụ quan trọng nhất.
Điều bất thường thứ hai: Không có những cuộc họp bàn giao công việc giữa ban quản trị, ban giám đốc cũ với êkíp mới do ông Tú đứng đầu. Chính vì thế, ngay những ngày đầu tiên nhậm chức đã có chút ít lời qua tiếng lại giữa 2 êkíp cũ mới liên quan đến nhà tài trợ chính V.League 2018, kế tiếp đó là rắc rối quanh bản hợp đồng sản xuất truyền hình với Công ty Next Media. Tất cả đều xuất phát từ mối liên hệ lỏng lẻo một cách khó hiểu giữa người mới và người cũ.
Nhưng quan trọng hơn hết, 2 điều bất thường trên đã khiến cho dư luận nghĩ rằng: Êkíp lãnh đạo cũ mà đứng đầu là bầu Thắng đã không làm tốt phần việc của mình, hoặc có khuất tất gì đó nên êkíp mới buộc phải "xóa đi làm lại". Thực tế thì có nhiều bộ phận, nhân viên cũ bị vô hiệu hóa sau khi ông Trần Anh Tú lên nắm quyền như là nguyên tắc công việc.
Khi VFF cảm thấy thiệt thòi
Được biết, trong 3 năm gần đây, sau khi Toyota thay Eximbank tài trợ cho V.League, phía VFF liên tục có công văn đề nghị VPF chi lãi dựa trên số cổ phần lên đến 34,5% mà VFF đang có, ngoài số tiền 10 tỉ đồng/năm chưa thuế đã được 2 bên thỏa thuận dưới tên gọi "đóng góp cho phát triển bóng đá trẻ".
Phía VPF thì cho rằng vẫn chưa đến "ngưỡng" để chia tiền lãi cho VFF vì đa số tiền thu của VPF, sau khi trừ chi phí hoạt động, đều được đem chia cho các CLB và sau đó, hạch toán thành chi phí nên cuối năm không có lãi để chia cho VFF.
Vấn đề là chẳng ai biết đâu là cái "ngưỡng" để VPF mới chính thức có lãi, bởi theo cựu Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng thì các CLB, nhất là ở giải hạng Nhất, đều đang lỗ triền miên nên cứ phải hỗ trợ liên tục. Nói cách khác, nếu VPF cứ tiếp tục hoạt động như hiện nay, năm nào cũng không chia cổ tức thì dù VFF có sở hữu 90% cổ phần đi nữa, cũng chẳng có đồng nào ngoài 10 tỉ "tiền cứng".
Vốn đã có kinh nghiệm tổ chức V.League trước đây, từng thu gần 30 tỉ đồng/mùa khi Công ty VPF ra đời, thế nên khi thấy doanh thu VPF luôn tăng so với dự kiến nhưng không nhận được thêm đồng nào, đó có thể là lý do buộc VFF phải tìm cách giành lấy quyền lực ở VPF nhằm kiểm soát vấn đề tài chính.
Thực tế là ngay khi vừa nhậm chức, đại diện của VFF là ông Trần Anh Tú đá lập tức cắt một loạt khoản chi, giảm đến 40% so với trước. Điều này khiến cho ông Võ Quốc Thắng và êkíp cũ cảm thấy bị tổn thương, bởi làm như vậy chẳng khác nào bảo rằng họ đã "quá tay" trong quá trình điều hành VPF.
Ở cái thế vừa phải rút lui khỏi VPF, bầu Thắng không thể lên tiếng để cải chính, đó là lý do vì sao bầu Đức không liên quan gì đến VPF lại liên tục yêu cầu ông Trần Anh Tú phải bỏ bớt các chức vụ ở cả VPF lẫn VFF. Thực ra, ông đang lên tiếng giúp cho bầu Thắng cũng như bảo vệ uy tín của nhóm các ông bầu đã từng đứng ra thành lập VPF.
Lúc thành lập VPF, cũng đã từng có những cuộc cải vã liên quan đến "thân phận". Các ông bầu sáng lập muốn VPF hoàn toàn độc lập với VFF nên muốn tổ chức thành công ty TNHH. Ngược lại, VFF cho rằng họ phải có quyền kiểm soát bởi V.League là giải VĐQG, buộc phải do liên đoàn quản lý. Cuối cùng, giải pháp ôn hòa nhất là thành lập công ty cổ phần, qua đó VFF chiếm số lượng cổ phần vượt trội để giữ quyền phủ quyết nếu như VPF có các quyết định gây tổn hại đến nền bóng đá Việt Nam.
Nguồn: Lao Động