Liên quan trong việc sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bổ sung về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, quy định tại điều 355 bộ luật Hình sự năm 2015. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Vũ "nhôm" bị khởi tố tội danh này?
Như đã thông tin, ngoài việc khởi tố tội danh nói trên, do có những sai phạm về các dự án đất đai ở Đà Nẵng nên trước đó, Vũ "nhôm" đã bị khởi tố, bắt tạm giam về 3 tội danh khác đó là: cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trốn thuế và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hành vi vi phạm của Vũ "nhôm" có sự tiếp tay, liên đới của nhiều người giữ trọng trách ở Bộ Công an và các sở ngành.
Đặc biệt, Bộ Công an đã khởi tố và bắt tạm giam Phan Hữu Tuấn, nguyên trung tướng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Tổng cục 5, Bộ Công an) về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước quy định.
Khung cao nhất là tù… chung thân
Theo LS Huỳnh Công Thư (thuộc Đoàn LS TP.HCM), chủ thể của tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn với lỗi là cố ý trực tiếp, đã vượt ra ngoài phạm vi quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người phạm tội đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như là phương tiện để thực hiện tội phạm bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
LS Thư phân tích, hành vi chiếm đoạt trong tội danh này là hành vi chuyển dịch trái phép tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp thành của mình hoặc của người khác mà mình quan tâm. Hành vi chiếm đoạt tài sản vừa là hệ quả vừa là mục đích của hành vi người phạm tội.
Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
Chủ thể phải là người có chức vụ
Đối với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 281 BLHS mà Vũ "nhôm" bị khởi tố, LS Minh Trang nhấn mạnh chủ thể của tội danh này cũng phải có chức vụ. Theo đó, người phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội. Ngoài ra, đối tượng phạm tội vì vụ lợi hoặc có động cơ cá nhân khác.
Ngoài ra, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm này là dấu hiệu pháp lý bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, động cơ vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Mức án cao nhất của tội danh này là 15 năm.
Đặc biệt, chỉ có người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài liệu bí mật thì mới là chủ thể của tội danh này.
"Cố ý làm lộ là hành vi xâm phạm bí mật Nhà nước, mỗi lĩnh vực đều có quy định riêng về "Danh mục tài liệu mật". Cụ thể, như hành vi của ông Phan Văn Anh Vũ được Nhà nước giao và quản lý các tài liệu mật nhưng sau đó ông Vũ lại để bị lộ các tài liệu này. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù. Với hành vi trốn thuế thì mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù và phạt gấp 3 lần số tiền trốn thuế", LS Trang nhấn mạnh.
Việc ông Phan Văn Anh Vũ bị khởi tố 4 tội danh trong 2 vụ án khác nhau, LS Huỳnh Công Thư cho rằng trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án thì Chánh án Toà án ra quyết định tổng hợp nhiều bản án theo điều 56 BLHS và tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội theo Điều 55 BLHS.
Theo quyết định khởi tố ông Phan Văn Anh Vũ tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do có sai phạm liên quan đến việc sở hữu 12,73% cổ phần của Đông Á, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) 200 tỉ đồng. Theo đó, ông Trần Phương Bình chỉ đạo DongABank xuất quỹ chi cho Vũ "nhôm" bằng cách Vũ phải ký chứng từ nộp khống 200 tỉ đồng tại ngân hàng.
Theo: Thanh Niên