Tại thông báo kết luận kỳ họp thứ 24 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã tiến hành xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (Bộ Chính trị đã đình chỉ sinh hoạt đảng, sinh hoạt cấp ủy và đình chỉ chức vụ Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương).
Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng và Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, căn cứ các bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thi hành kỷ luật ở mức cao nhất đối với đồng chí Đinh La Thăng.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên hàm Vụ trưởng của Ban Tổ chức Trung ương cho biết, kỷ luật Đảng có 4 hình thức là khiển trách; cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Trường hợp như ông Đinh La Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật mức cao nhất nghĩa là mức khai trừ.
Theo quy định 102 năm 2017 của Bộ Chính trị, Đảng viên vi phạm đến mức khai trừ thì phải khai trừ, không áp dụng hình thức xóa tên. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ
"Giả sử một đảng viên khi bị khởi tố thì bị tổ chức Đảng đình chỉ sinh hoạt Đảng, nếu là cấp Ủy thì đình chỉ sinh hoạt cấp Ủy. Khi nào người đó bị kết án và bản án có hiệu lực pháp luật thì tổ chức Đảng sẽ làm thủ tục khai trừ. Trường hợp ông Đinh La Thăng là do Ban chấp hành Trung ương quyết định việc thi hành kỷ luật", ông Nguyễn Đức Hà cho biết.
Một Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng nói, trường hợp ông Đinh La Thăng bị đề nghị thi hành kỷ luật Đảng mức cao nhất, hình thức này thuộc thẩm quyền quyết định của Ban chấp hành Trung ương.
PV đặt câu hỏi: Ông Đinh La Thăng dù bị tuyên 2 bản án, nhưng cả 2 bản án đều đang bị kháng cáo, chưa có hiệu lực pháp luật sao vẫn đề nghị thi hành kỷ luật cao nhất?. Vị Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, chính vì ông Thăng chưa có bản án phúc thẩm (án có hiệu lực pháp luật —PV) nên Ủy ban Kiểm tra Trung ương mới xem trước.
Trước đó, trả lời báo chí về trường hợp việc đình chỉ sinh hoạt Đảng như trường hợp ông Đinh La Thăng được hiểu như thế nào?, ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nói:
Việc tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng là để phục vụ công tác điều tra, xét xử và có thể kéo dài đến khi toà tuyên án. Khi đã bị bắt tạm giam, khởi tố bị can, đình chỉ sinh hoạt Đảng thì cũng xem như là gần xong việc xử lý kỷ luật trong Đảng, chỉ là chờ về mặt thủ tục.
Mặc khác, trong quá trình điều tra, xét xử, nếu tổ chức đảng xét thấy đủ cơ sở để đưa ra kết luận kỷ luật thì cũng tiến hành kỷ luật chứ không phải chờ đến toà tuyên án. Ông Trị lấy ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, toà vẫn đang xử giai đoạn 1 nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận hình thức kỷ luật khai trừ Đảng với ông này.
Theo: Dân Việt