Chị Lê Thị Lan, công nhân (CN) Công ty CP Kinh doanh Thủy sản Sài Gòn (KCN Tân Tạo, TP HCM), đặt câu hỏi: "Làm sao chúng tôi đứng nổi ở tuổi 60? Công việc đòi hỏi CN đứng suốt và làm việc trong môi trường rất lạnh, vì thế CN hay mắc các bệnh về hô hấp, da, giãn tĩnh mạch… Hiện nay, rất nhiều CN phải nghỉ việc giữa chừng vì sức khỏe không cho phép và không thể chờ đến tuổi nghỉ hưu. Do đó, việc nữ CN về hưu ở tuổi 60, nam ở tuổi 65 là không thể đối với CN trực tiếp sản xuất, đặc biệt là làm việc trong ngành thủy sản".
Nên giữ như cũ
Thông tin về việc Bộ Lao động — Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu (5 năm với lao động nữ và từ 2-5 năm đối với lao động nam) đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động (NLĐ), đặc biệt là CN trực tiếp sản xuất. Chị Phạm Thị Linh — đang làm việc tại một doanh nghiệp (DN) ở quận Gò Vấp, TP HCM — cho rằng đề xuất tăng tuổi hưu chẳng khác nào ép buộc NLĐ phải kéo dài thời gian làm việc mà không tính đến tình hình sức khỏe và năng suất khi họ đã lớn tuổi.
Chị Linh bày tỏ: "Tôi không biết Bộ LĐ-TB-XH có từng đi khảo sát độ tuổi lao động ở các DN hiện nay hay không? Họ có thể thống kê được bao nhiêu DN sử dụng lao động nữ ở độ tuổi 60? Thực tế là hầu hết DN đều chỉ tuyển dụng lao động trẻ. Những lao động nữ qua tuổi 40 đều rất khó xin việc khi đột ngột mất việc hay DN khó khăn dẫn đến phá sản, lúc đó họ chỉ có thể làm việc tự do, rất khó có thể tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu. Khi bộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu có nghĩ đến những trường hợp như vậy hay không?".
Ông Trần Văn Chương — Công ty TNHH Âu Việt, quận Thủ Đức, TP HCM — thừa nhận dù thể trạng và tuổi thọ người Việt hiện tăng lên nhưng chất lượng sống thấp, môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn bủa vây, nguy cơ bệnh tật cao. "Nhiều người bước qua độ tuổi 50 sức khỏe đã giảm sút, năng suất làm việc cũng giảm. Chưa kể, nhiều người không có năng lực sẽ cố giữ ghế, không chịu nhường cơ hội cho những người trẻ, nhất là trong đơn vị hành chính nhà nước" — ông Chương phân tích.
Cũng với suy nghĩ "phải tạo cơ hội cho người trẻ" trong tình hình tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ gia tăng, anh Nguyễn Phước Quí Pháp — Chánh Văn phòng Quận đoàn 1, TP HCM — đề xuất giữ lại quy định cũ để người trẻ có cơ hội phát triển, thăng tiến.
Nếu tăng, phải có lộ trình
Đây là lần thứ tư Bộ LĐ-TB-XH đề xuất phương án tăng tuổi hưu. Ở nước ta, lao động trực tiếp chiếm tỉ lệ khá lớn, do vậy đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là thiếu thuyết phục. Nâng lên hay hạ xuống tuổi nghỉ hưu không thể làm theo kiểu chủ quan duy ý chí mà phải căn cứ vào tình hình kinh tế — xã hội của đất nước, đặc biệt là sức khỏe NLĐ.
Theo ông Lê Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Triple Việt Nam, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần phải thực hiện theo từng nhóm đối tượng lao động. Trong khu vực hành chính và nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì có thể xem xét việc nâng tuổi hưu. Riêng CN trực tiếp sản xuất thì không nên hoặc cần có lộ trình cụ thể cho từng nhóm chứ không thể cào bằng. Bởi vì tiếp tục nâng tuổi hưu nữa thì quyền lợi NLĐ bị tác động, chưa kể hằng năm nước ta có 1 triệu người đến tuổi lao động. Hiện nay, số lượng người đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu đã không có bao nhiêu, nếu càng kéo dài tuổi hưu thì chắc chắn xảy ra tình trạng nghỉ sớm để "lãnh một cục". Khi đó, nguồn thu BHXH lớn nhất hiện nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và điều này đồng nghĩa việc tăng tuổi hưu sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với việc bảo toàn quỹ BHXH.
Không tăng tuổi hưu đối với những ngành nghề đặc thù, lao động nặng nhọc, độc hại cũng là quan điểm của bà Nguyễn Hạnh Thảo — Chủ tịch LĐLĐ quận 9, TP HCM. Theo bà Thảo, cần xây dựng phương án riêng về tuổi hưu cho từng nhóm đối tượng để bảo đảm quyền lợi NLĐ. "Về cơ bản, nếu công việc lao động trí óc thì tăng tuổi hưu nam lên 62, nữ 60 có thể chấp nhận được nếu họ vẫn tâm huyết với nghề và muốn tiếp tục cống hiến. Còn các nghề có đặc thù phức tạp, nguy hiểm và độc hại thì không nên" — chị Nguyễn Thị Hải Hà, chuyên viên Sở Nội vụ TP HCM, đề xuất.
Nguồn: nld