Ngày 27/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam. Tham dự buổi lễ còn có Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên — nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng — nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười — nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng gửi lẵng hoa chúc mừng toàn ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ý nghĩa sự phát triển của ngành xây dựng, một ngành kinh tế — kỹ thuật có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư điểm lại từ cột mốc đầu tiên, năm 1958, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Bộ Kiến trúc (nay là Bộ Xây dựng), qua quá trình 60 năm qua, ngành đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn nào trong lịch sử phát triển đất nước, ngành xây dựng cũng ghi dấu ấn với hàng trăm công trình lớn nhỏ, đặc những viên gạch đầu tiên cho công nghiệp Việt nam, như thủy điện Lào Cai, Thác Bà, gang thép Thái Nguyên, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủy điện Sông Đà, Sơn La, Lai Châu, Yaly, đường Hồ Chí Minh, hầm đèo Hải Vân…
"Năng lực cạnh tranh của ngành tăng đáng kể. Tôi được biết đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có một doanh nghiệp vượt qua rất nhiều nhà thầu nước ngoài, xây dựng được công trình cao thứ 10 trên thế giới" — Tổng Bí thư ghi nhận.
Với những thành tựu đó, ngành xây dựng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 1998), hai Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1994 và năm 2008), hai Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2007 và năm 2015), Công đoàn Xây dựng Việt Nam được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trong đội ngũ của ngành Xây dựng đã có 34 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 2 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang và 42 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Tổng Bí thư lưu ý lãnh đạo ngành đổi mới tư duy trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, phát triển khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng và góp phần chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng, nhất là trong quản lý và sử dụng đất đai.
Tổng Bí thư ra đề bài với ngành, trước mắt, cần có giải pháp khả thi khắc phục tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và ô nhiễm môi trường ở một số đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và TPHCM.
"Đời xây dựng là một chuyến đi dài bất tận của những người thợ xây tài hoa tới khắp mọi miền, cũng là chuyến đi của sức trẻ mạnh mẽ, tràn đầy lạc quan hướng đến những chân trời mới" — Tổng Bí thư đặt kỳ vọng, ngành xây dựng sẽ tiếp tục kiến tạo những công trình, góp phần làm kỳ vĩ non sông, đất nước.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà báo cáo Tổng Bí thư, những hạn chế, bất cập của ngành đã được khắc phục từng bước. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ cũng ý thức yêu cầu, đòi hỏi với toàn ngành, từ trung ương đến địa phương quyết tâm cao hơn nữa, thực thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, khả thi hơn nữa thì mới có thể khắc phục kịp thời và dứt điểm.
Nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng 12 "phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến. Tiếp cận và làm chủ công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực xây lắp, đáp ứng yêu cầu xây dựng trong nước và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, vật liệu chất lượng cao", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, toàn ngành nghiêm túc quán triệt, xây dựng chương trình hành động và đang nỗ lực thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể.
Theo: Dân Trí