Bài điều tra 11 năm trước
Năm 2007, báo Đại đoàn kết đã có bài điều tra chấn động (hiện báo Tuổi trẻ còn đăng lại): Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?
Bài báo ấy đã nhắc đến 2 thông báo hỏa tốc truyền đạt ý kiến của ông Lê Thanh Hải, lúc đó là Chủ tịch UBND TP.HCM.
Điều rất đáng lưu ý của hai thông báo cùng một ngày này, là yêu cầu các sở có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm cho Khu đô Thị.
Yêu cầu giao đủ 770ha đất này kỳ lạ ở chỗ: Theo tờ trình trước đó, trong 770ha này đã có 130ha là mặt nước sông Sài Gòn (nghĩa là diện tích đất thực tế theo tờ trình chỉ là 640ha).
Khi yêu cầu phải giao đủ 770ha đất, thì chỉ có 2 giải pháp: Một, lấp mặt sông Sài Gòn (điều không được phép làm); Hai, cắt lẹm vào quỹ đất 160ha tái định cư của Khu đô thị.
Và theo bài báo, điều kỳ lạ đã biến thành hiện thực. Họ đã biến cái không thể thành có thể: Xuất hiện 28 dự án tư nhân trong phần đất đáng ra dành cho tái định cư.
Sự sửng sốt của ông Võ và ý kiến bất ngờ của ông Điệp
Trong khi tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm 1/5.000 đang lưu lạc khỏi tất cả các nơi lẽ ra nó phải có, thì hơn 100 hộ dân Thủ Thiêm cũng đang lưu lạc lại Hà Nội để khiếu kiện về đất đai.
Ông Nguyễn Hồng Điệp — Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) đã nói thẳng nỗi khốn khổ của những người lưu lạc: Có đoàn khiếu kiện phải nằm ở Hà Nội tới 4-5 tháng và "liên tục tới nhà riêng lãnh đạo Trung ương để yêu cầu".
Câu hỏi của GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT có thể hé lộ phần nào nguyên nhân việc khiếu kiện dài ngày của người Thủ Thiêm, hé lộ phần nào sự có mặt của 28 dự án tư nhân đột nhiên xuất hiện ở nơi lẽ ra dành cho tái định cư:
"Để thất lạc bản đồ quy hoạch hàng chục năm vậy lâu nay TP.HCM lấy căn cứ, ranh giới ở đâu để thực hiện dự án?".
Ông Võ thấy "rất lạ và vô lý" vì một dự án lớn hàng trăm ha, hàng chục ngàn tỉ đồng mà lại để thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000.
(Để làm "siêu dự án" này, phải giải tỏa gần như toàn bộ bán đảo Thủ Thiêm với khoảng 15.000 hộ dân. Tổng số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, trả các khoản lãi vay cho KĐTM Thủ Thiêm là hơn 29.000 tỉ đồng).
"Nói với dân mãi là thất lạc bản đồ quy hoạch là không đúng. Đừng có nói thế, bây giờ phải nói là không có. Chả lẽ có mà bị mất thì mất ở tất cả các cơ quan à?".
Ông Điệp cho rằng việc nói bản đồ thất lạc là để trốn tránh trách nhiệm:
"Trốn tránh trách nhiệm rõ rồi, nhưng không thể trốn trách nhiệm với dân và cả với Chính phủ được".
Khi câu chuyện về tấm bản đồ thất lạc trở nên ồn ào, cư dân mạng đã đưa ra một đề nghị hài hước:
"Cần phát lệnh truy nã tấm bản đồ mất tích".
Tấm bản đồ vô tội. Thứ cần truy tìm gắt gao và lôi ra ánh sáng, chính là những người khiến cho tấm bản đồ có thể gây thiệt hại cho dân, cho nước để làm lợi cho mình.
Cho đến giờ, không biết tấm bản đồ đó có hay không, nhưng nỗi bức xúc của một số người dân Thủ Thiêm, thì chắc chắn có thật.
Một trong những người bức xúc trường kỳ là ông Vũ Huy Hoàng. Dù ông Hoàng khiếu kiện đúng, dù Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo 14 lần cho UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết khiếu nại, dù Thanh tra Chính phủ đã kết luận 3 lần đòi lại công bằng cho ông Hoàng, nhưng đến nay vẫn vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại sao lại sợ hiện tượng dắt dây khiếu nại, nếu quy hoạch, đền bù, giải tỏa ở khu đô thị Thủ Thiêm thực sự minh bạch? Việc cố tình không sửa sai mới có thể dẫn đến tình trạng bức xúc và khiếu nại kéo dài.
Năm 2016, hình ảnh Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, đại biểu QH, xuất hiện tươi tắn trên báo. Ông chỉ mất vài chục phút để hóa giải vụ khiếu kiện hơn 25 năm của ông Võ Văn Khuyến.
Năm 2015, báo chí cũng ca ngợi Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ mất 30 phút tiếp dân mà đã giải quyết được vụ khiếu kiện đất đai ròng rã gần 10 năm của ông Lê Văn Lâm.
"Thành thật mà nói, dù hôm nay mình giải quyết được cho dân nhưng làm sao bù đắp được sự bức xúc, tổn thương của họ kéo dài gần 10 năm qua…".
Trước đó, năm 2014, ông Lê Thanh Hải cũng được ca ngợi trong một vụ việc tương tự: 30 phút, Bí thư Thành ủy giải quyết xong vụ khiếu nại hơn 20 năm của bà Nhữ Thị Thơm.
Những khiếu nại, bức xúc, tổn thương của một số hộ dân Thủ Thiêm đã có từ nhiều năm qua.
Là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện Khu đô thị Thủ Thiêm, là người đã có chỉ đạo qua 2 thông báo hoả tốc lạ lùng nói trên, không biết ông Lê Thanh Hải có ý định gặp những người khiếu kiện để hóa giải hành trình công lý dài đằng đẵng của họ không nhỉ?
Nhà báo Bùi Ngọc Hải
Theo: Trí Thức Trẻ