Đã có lần bà Phạm Chi Lan dẫn lời nhận xét hài hước của các chuyên gia Wold Bank:
"Việt Nam là một nước không chịu phát triển".
Thực tế thì tuyệt đại đa số trong số hơn 90 triệu người Việt, ai cũng mong phát triển. Nhưng làm sao phát triển hiệu quả, nếu bộ máy đang có không ít cuộc "chạy nước rút" tiêu cực?
Khi tôi còn ở cơ quan cũ, có một tít báo được độc giả rất hoan nghênh, đó là "Tất cả đều thoát, trừ nước".
Bài báo nói về một trận mưa to khiến Hà Nội ngập, dù khi ấy một dự án thoát nước cả ngàn tỉ đã được thực hiện.
Tiền của thất thoát vô khối, nước thì vẫn ở lại và biến Hà Nội thành "Hà Lội". "Tất cả các dòng sông đều chảy" — tên một bộ phim nổi tiếng cũng được dùng để miêu tả đường phố Hà Nội hóa sông.
Ở một số cơ quan, đơn vị có sai phạm về bổ nhiệm, tiêu cực, người ta cũng có thể nhận xét châm biếm "tất cả mọi thứ đều chạy, trừ hiệu quả công việc" hoặc "hành là chính".
Hôm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đốt lò, đã chỉ đích danh những thứ chạy khi khai mạc Hội nghị Trung ương 7: Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… chậm được ngăn chặn và đẩy lùi…
Chúng ta cùng đặt vấn đề: Ở Việt Nam, người ta có thể chạy những gì nữa nhỉ?
Ngoài đường thì chạy vượt đèn đỏ, chạy lên vỉa hè, chạy quá tốc độ và không ít trường hợp chạy thẳng về âm phủ.
Trong bệnh viện thì chạy để xếp hàng chen ngang, đuổi đánh khiến bác sĩ chạy re kèn.
Phụ huyng thì chạy lớp, chạy trường, xô đổ cả cổng trường bằng sắt to nặng, để chạy suất nộp hồ sơ.
Có người đã thoát nghèo chạy chọt để vẫn được ở lại diện hộ nghèo, ăn trợ cấp; nhưng cũng khối kẻ rất giàu thì chạy thật lực để tẩu tán tài sản, xóa dấu vết.
Để xây biệt phủ, người ta chẳng ngại chạy xe ôm. Để lắp động cơ cho Hotgirl chạy lên cao, đàn anh chả ngại nâng đỡ không trong sáng.
Chạy quy hoạch đất và quy hoạch ghế; chạy nhanh và chạy chậm
Cách đây chưa quá lâu, người ta nói đến trục Tâm Linh Thăng Long, hướng từ Hà Nội lên Ba Vì.
Bây giờ, không còn nghe nhắc tới điều đó nữa, nhưng chắc chưa ai quên rằng chính thông điệp Trục tâm linh đó đã khiến cả vùng đất mênh mông hai bên "trục" sốt sình sịch nhiều năm.
Những ai thu được những món lợi khổng lồ trong cuộc chạy nước rút về quy hoạch ảo ấy? Câu hỏi này chắc không khó đoán.
Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong vẫn chưa được Quốc hội thông qua luật Đặc Khu, nhưng đất đai đã nóng lạnh mấy phen. Có những cò mồi tay trắng sau 1-2 năm biến thành tỉ phú.
Nhưng người dân bảo: Cò chưa phải những người kiếm được nhiều nhất trong cuộc chạy đua này.
Đằng sau những thông tin nửa kín nửa hở truyền tai nhau, tạo sóng bất động sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… những ai được lợi nhiều nhất?
Đằng sau biết bao nhiêu khiếu kiện về đất đai của dân nghèo có bóng dáng của chạy quy hoạch dự án, đô thị.
Việc chạy quy hoạch đất đai làm xuất hiện nhiều "địa chủ" mới, còn chạy quy hoạch chức quyền tiềm ẩn sản sinh tầng lớp "cường hào mới".
Chạy quy hoạch đất đã phức tạp, chạy quy hoạch ghế còn ảo diệu hơn nữa.
Người ta chạy cỗ máy đúng quy trình ở khắp nơi, nhưng kết quả đều có chung đáp án: Cả họ làm quan.
Họ không chỉ chạy tiến mà còn nghĩ ra cách chạy giật lùi: Xin về hưu sớm để tạo dư luận tốt cho quý tử thần tốc trên đường quan lộ.
Họ chạy ngang, chạy dọc, tẩu như phi ra cả nước ngoài hòng chạy tội như Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh. Bị kỷ luật, chạy lên trên để rũ trách nhiệm.
Thậm chí cả huân huy chương người ta cũng tìm cách chạy. Đã có một số trường hợp vừa được trao danh hiệu, các sếp đã vướng vòng lao lý.
Chiếc xe tải khổng lồ chở cái cây khổng lồ, chạy nghênh ngang giữa đường mà vẫn chạy lọt qua rất nhanh nhiều tai mắt, trong khi kẻ trộm 3 con chim chào mào bé bỏng của con trai Bí thư tỉnh, thì chạy đằng trời không thoát.
Sở GTVT Quảng Bình đã có công văn đề nghị Công an Thừa Thiên Huế cung cấp thông tin về cty có chiếc xe chở cây khủng vi phạm luật.
Nhưng hai cái công văn chạy đi hơn một tháng, Sở này vẫn chưa hề nhận được hồi âm để có cơ sở xử lý cty vi phạm.
Những thứ đáng phải chạy rất nhanh thì lại chạy cực chậm và ngược lại.
Điều Usain Bolt không thể hiểu về Việt Nam
Trên chặng đua 100m trước khi giã từ sự nghiệp, Bolt đã không thể có được chiếc HCV Olympic cuối cùng.
Để có thể nhanh hơn vài phần trăm của giây, Bolt phải tra tấn thể lực nhiều năm liền với một ý chí sắt đá.
Nếu Bolt nhìn sang Việt Nam, anh sẽ giật mình tự hỏi: Vì sao xứ sở vốn yếu điền kinh, chân ngắn bụng béo, lười vận động lại có thể sản sinh rất nhiều "cao thủ chạy nước rút" trên quan lộ đến như vậy?
Mấy năm trước, chàng trai trẻ Vũ Xuân Tiến được gọi là running man, khi chạy bộ đuổi theo chiếc xe chở các cầu thủ Arsenal.
Bây giờ, đã xuất hiện rất nhiều running man, nhưng họ không chạy bằng chân mà chạy bằng đầu, bằng tiền, bằng quan hệ, bằng thủ đoạn.
Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó chủ tịch nước, đã phải xót xa: "Người ta ăn của dân không từ thứ gì". Quan tham phải ăn để chạy. Chạy rồi lại phải ăn để bù đắp phí tổn và để chạy tiếp.
Một người sử dụng đôi chân và mồ hôi của chính mình để chạy như Bolt, làm sao thấu cảm được "phương pháp chạy kỳ ảo ấy" của các running man mới ở Việt Nam?
Rất may, những kiểu chạy đẩy lùi đất nước ấy, đang bị khống chế.
Ngoài những vị đã phải chạy thẳng vào lò kèm theo rất nhiều nước mắt, thì một vài vị khác đã tìm cách chạy vào bệnh viện để mong rằng vấn đề sức khỏe của mình sẽ gánh đỡ cho vi phạm của mình.
Đáng tiếc, bác sĩ chính của họ lúc này không phải là HLV điền kinh hay thầy thuốc, mà là công lý.
Nhà báo Bùi Ngọc Hải
Theo: Trí Thức Trẻ