Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị Trung ương 7 lần này đó là chủ trương thực hiện bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Để có góc nhìn sâu sắc hơn phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó Giáo sư, Giảng viên cao cấp Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia).
Theo ông Can, đây không phải là một chính sách mới mà trước đây đã thực hiện như luật Hồi Tỵ xưa.
Điểm mạnh của chính sách này sẽ đảm bảo người đứng đầu ở địa phương không bị chi phối bởi các mối quan hệ dòng họ, thân tộc.
Khi chính sách này đi vào thực tế hy vọng sẽ không còn hiện tượng cả họ làm quan, cả nhà bố con, dâu rể nắm hết quyền lực của cả tỉnh.
Cũng theo ông Can, khi sử dụng đội ngũ lãnh đạo không phải là người địa phương thì xử lý công việc sẽ công minh, đàng hoàng hơn.
Lý giải về việc một số ý kiến cho rằng nếu lãnh đạo không phải ở địa phương thì không sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho quê hương, ông Ngô Thành Can nêu quan điểm: "Nếu ta lựa chọn được người phẩm chất tốt làm lãnh đạo thì lo ngại đó sẽ không lớn.
Để người tài có động lực và phát huy năng lực của bản thân cần thiết phải có quy định chặt chẽ, chế độ đãi ngộ tốt, đáp ứng mong muốn thì họ sẽ phục vụ tốt".
Qua phân tích của ông Ngô Thành Can có thể thấy đây là chính sách tốt. Tuy nhiên, mỗi chính sách khi đi vào áp dụng thực tế đều có thách thức gặp phải.
Theo ông Ngô Thành Can, cấp điều phối (cấp được đề xuất cử người) phải công tâm, có tầm nhìn để lựa chọn được người tài.
Ngoài ra, cần phải quy định thế nào là người địa phương một cách rõ ràng.
Bởi, trong quá trình phát triển người di cư đến, người ta sống ở đây nhưng quê người ta chẳng ở đây thì có phải là người địa phương không?
Rồi cần thiết phải xây dựng được chính sách đãi ngộ hấp dẫn, khen thưởng công minh và chế tài giám sát chặt chẽ.
Làm tốt phải được đánh giá cao, làm dở, làm kém phải xem xét. Ai vi phạm phải có hình thức kỷ luật ngay chứ không để đến nghỉ hưu hay luân chuyển mới xử lý.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên hàm Vụ trưởng vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, ưu điểm của chính sách này là lãnh đạo địa phương không bị ràng buộc thân quen, địa phương chủ nghĩa.
Bố trí lãnh đạo không phải là người địa phương nhằm tránh chuyện thân quen. Những lãnh đạo đó phải chọn được người đạo đức, vì dân vì nước, không bị ràng buộc.
Khi lãnh đạo vì dân vì nước không phải là người địa phương mà giúp cho địa phương đó phát triển thì dân sẽ biết ơn.
Cuối cùng ông Phan Xuân Xiểm nhấn mạnh: "Đường lối đúng là quan trọng, việc lựa chọn con người cũng quan trọng nhưng nếu mình buông lỏng quản lý, để xảy ra sai trái không xử lý thì cũng không tốt.
Công tác giám sát, kiểm tra phải luôn thực hiện nghiêm minh thì mới hạn chế được tiêu cực".
Nguồn: GDVN