- Vụ việc các "hiệp sĩ" ở TP.HCM bị nhóm trộm tấn công khiến 2 người chết, 3 người bị thương tạo nên nhiều ý kiến trái chiều về hoạt động của những người như họ. Ở góc độ của mình ông nghĩ sao?
— Có thể nói, đây là mất mát rất lớn của các "hiệp sĩ" và người thân. Dư luận lâu nay luôn ủng hộ phong trào hiệp sĩ. Họ là những người dám xả thân, "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" vì bình yên cuộc sống cho người dân.
"Hiệp sĩ đường phố" là một mô hình đẹp. Những người này luôn xả thân vì việc nghĩa, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng mà không vụ lợi.
Việc ra đời tổ chức hiệp sĩ, dù tự phát, nhưng hoàn toàn là khách quan, do nhu cầu xã hội và cần nhân rộng mô hình.
- Nhiều ý kiến bình luận thời gian qua, TP.HCM đã lờ đi những đóng góp của các tổ chức hiệp sĩ, để họ hoạt động đơn độc. Ông nhìn nhận thế nào?
— Như tôi đã nói trên, phàm là hiệp sĩ thì họ dám xả thân, không đòi hỏi gì. Nhưng, chúng ta không được phép bỏ rơi lòng tốt của họ. Chúng ta không được phép để lòng tốt trở nên đơn độc.
Vì vậy, cơ quan chức năng phải có thể chế bảo vệ hiệp sĩ vì hoạt động này cần nhân lên thành điển hình, cần được phát triển.
Tôi chỉ đưa ra một ví dụ Bình Dương làm được, sao TP.HCM không làm được? Bình Dương quy mô nhỏ hơn, trong khi TP.HCM phòng chống tội phạm cần đòi hỏi cần phát động quần chúng tham gia nhiều hơn, tại sao chúng ta không làm?
Trước đây, chúng ta tranh cãi gay gắt quy định không cho công ty vệ sĩ, không cho công ty thu nợ hoạt động nhưng giờ chúng ta có hết các văn bản rồi và làm được. Nếu cần, công an đứng ra tổng kết mô hình, báo cáo cấp trên xin cơ chế.
- Vậy cần làm gì để người dân và hiệp sĩ được yên tâm hơn khi tham gia truy bắt tội phạm?
— Tôi cho rằng muốn để người dân, các hiệp sĩ phòng chống tội phạm hiệu quả, bớt rủi ro thì cơ quan, lực lượng chức năng, đặc biệt là công an phải có hướng dẫn, chia sẻ về các biện pháp nghiệp vụ.
TP.HCM hay các địa phương khác đồng ý thành lập các tổ chức hiệp sĩ thì cũng phải nghiên cứ trang bị công cụ hỗ trợ phù hợp cho họ sử dụng khi đối mặt với tội phạm có vũ khí. Nhà nước cũng cần những chế độ chính sách cho các hiệp sĩ nhằm động viên những hy sinh thầm lặng đó.
- Nhìn từ vụ việc này, trách nhiệm của Công an TP.HCM ở đâu?
— Vụ án xảy ra ngay gần trụ sở công an phường nhưng tôi không có hồ sơ hay căn cứ để nói trách nhiệm của phường vì tội phạm ra tay nhanh và địa bàn khác đến như thông tin báo chí nêu.
TP.HCM vốn là địa bàn có tình hình an ninh trật tự phức tạp. Hàng loạt các vụ việc trộm cắp, cướp giật diễn ra gây bất an cho người dân. Nếu Công an TP.HCM làm hết trách nhiệm thì hạn chế được những chuyện đau lòng như vừa xảy ra. Những tên tội phạm không còn "cửa" để tiếp diễn việc đi ăn cắp, ăn cướp được nữa.
Qua đây, lực lượng công an TP.HCM phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
Tối 13/5, anh Phương (32 tuổi) dừng xe SH trước cửa hàng thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM) rồi vào trong. Một lúc sau, nhóm trộm xuất hiện, bẻ khoá xe.
Trong lúc nhóm trộm chuẩn bị dắt xe đi thì nhóm hiệp sĩ khoảng 8 người xuất hiện, truy cản. Kẻ gian bất ngờ dùng hung khí tấn công, khiến 2 hiệp sĩ tử vong, 3 người khác bị thương. Hai nạn nhân tử vong là Nguyễn Hoàng Nam (29 tuổi, ngụ Gò Vấp) và Nguyễn Văn Thôi (42 tuổi, quê Bình Định).
Ngay sau đó, cơ quan công an đã truy bắt được 2 đối tượng trực tiếp gây án. Chiều 17/5, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tấn Tài (Tài "mụn", 24 tuổi, ngụ quận 12), Nguyễn Hoàng Châu Phú (24 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn), để điều tra về hành vi Trộm cắp tài sản và Giết người. Bị can Ngô Văn Hùng (32 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) bị khởi tố về hành vi Che giấu tội phạm.
Nguồn: Zing