Tại phiên tòa sáng nay (28/5, ngày thứ 10 xét xử vụ án chạy thận làm chết 9 người ở BV Đa khoa Hòa Bình), trong phần bào chữa của mình, LS Trần Hồng Phúc (bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương) đã chỉ ra lỗi nghiêm trọng của Bộ Y tế trong công văn trả lời Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Lỗi này, theo phân tích của luật sư Phúc, đã khiến công văn trở thành văn bản được sử dụng để "định tội" cho 3 bị cáo gồm: Hoàng Công Lương, Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn.
Lỗi này nằm ở chỗ: sau khi nhận bộ câu hỏi của cơ quan điều tra (CQĐT) gửi, Bộ Y tế đã… tự ý sửa một số câu hỏi, thêm hẳn yếu tố về xét nghiệm AAMI vào câu hỏi, từ đó dẫn đến việc cơ quan điều tra dựa vào đó cho rằng nếu các bị can (nêu trên) không tiến hành hoặc không chờ kết quả AAMI mà cho chạy thận là có tội!
Cụ thể nội dung về chi tiết này trong phiên tòa như sau:
Tại tòa sáng nay, LS Trần Hồng Phúc đề nghị Viện kiểm sát (VKS) xem lại cáo trạng, cụ thể là ở trang số 7, 8 số 05 ngày 22/2/2018. Tại đây, VKS đã trích nguyên văn nội dung trả lời của Bộ Y tế. Trong đó có xác định đến tiêu chuẩn AMMI, sau này ở phần luận tội, quan điểm của vị đại diện VKS đã xác định rằng, cần phải chờ kết quả xét nghiệm AMMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo.
Cụ thể, sau khi sự cố xảy ra, CQĐK công an tỉnh Hòa Bình đã gửi công văn đến Bộ Y tế gồm 6 câu hỏi. Bộ Y tế phúc đáp bằng công văn số 4342.
Trong 6 câu, câu hỏi thứ 4 có nội dung là:
"Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?"
Cụ thể, câu hỏi đã được chỉnh sửa thể hiện trong công văn số 4342 của Bộ Y tế là:
"có nhất thiết phải xét nghiệm, kiểm tra chất lượng nước phù hợp với tiêu chuẩn AMMI hay không?".
Từ đó, LS Phúc cho rằng, đây là một nhầm lẫn tai hại, rất nguy hiểm.
"Chúng tôi nghĩ rằng, không phải VKS mà chính Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo ngồi đây ngày hôm nay. Bởi vì Bộ Y tế đã tự biên tập lại câu hỏi không nằm trong danh sách câu hỏi của CQĐT. Về vấn đề này, LS đề nghị đại diện VKS đánh giá ở bút lục 1487 và bút lục 1485 là công văn của CQĐT, công an tỉnh Hòa Bình gửi cho Bộ Y tế", LS Phúc nhận định.
Cũng theo LS Phúc, nếu như công văn của Bộ Y tế tự ý đưa chi tiết tiêu chuẩn AMMI nhưng không dẫn lại mệnh đề câu hỏi mà lại để vào câu hỏi số 5, phần trả lời này rất dễ gây hiểu nhầm là xét nghiệm AMMI có cần không, bản thân Bộ Y tế cũng không xác định là có cần hay không. Lẽ ra Bộ y tế phải xác định đó là dấu chấm hỏi, thì Bộ Y tế lại khẳng định bằng dấu chấm. Điều này rất dễ gây ra hiểu lầm.
"việc sửa chữa, bảo dưỡng đối với hệ thống lọc nước RO có quy định cụ thể và quy trình không và quy định bằng văn bàn nào?" Ở đây, Bộ Y tế đã trả lời nội dung hoàn toàn khác so với nội dung câu số 4.
Từ 2 nội dung trả lời 2 câu hỏi của BYT ở bút lục số 1487 và 1485 cho thấy rằng, Bộ Y tế đã nhầm lẫn trong việc trả lời câu hỏi của CQĐT cũng như tự ý biên tập lại câu hỏi của CQĐT đưa vào trả lời thành mệnh đề phát sinh thêm yếu tố AMMI có cần hay không.
"Sau khi nhận thấy sai sót của Bộ Y tế, chúng tôi đã gửi công văn xác minh đến Bộ, trong công văn phúc đáp của Bộ Y tế ngày 27/4/2018, chúng tôi cho rằng Bộ Y tế vẫn cố ý để buộc tội các bị cáo. Bộ Y tế nói rằng, đây là 2 câu hỏi có nội dung khác nhau nên Bộ Y tế đã trả lời riêng rẽ từng câu hỏi, bởi trong công văn trả lời của Bộ Y tế đây là 2 câu hỏi hoàn toàn giống hệt nhau, gồm 34 chữ không khác nhau một dấu chấm, dấu phẩy", LS Phúc nhấn mạnh.
Theo: Trí Thức Trẻ