"Chính phủ đặt Quốc hội vào một tình thế thực sự khó, tôi muốn Chính phủ nhìn nhận vấn đề này một cách thẳng thắn hơn", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành uỷ Tp.HCM nhấn mạnh khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Sáng 30/5 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 và điều chỉnh chương trình 2018.
Theo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật thì năm 2018 Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình 2 dự án luật, đưa ra khỏi chương trình 1 dự án, bổ sung mới 10 dự án.
Rất lo về luật đặc khu
Tại phiên họp, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng luật với tình trạng liên tục lùi, giãn, hoãn được nhìn nhận ở cả Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành.
Theo đại biểu Tâm thì tình trạng xin rút hoặc xin bổ sung còn xảy ra thường xuyên cho thấy sự thiếu chủ động của Quốc hội.
Bà Tâm cũng đề nghị giải trình thêm về một vấn đề được nêu tại báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Đó là, các cơ quan thẩm tra Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết, còn hiện tượng nể nang, ngại va chạm, xuôi theo ý kiến cơ quan soạn thảo, tính phản biện chưa cao, báo cáo thẩm tra chưa sâu.
Vẫn theo nhận xét của đại biểu Tâm thì việc bố trí thời gian thảo luận đối với một số dự án luật quan trọng, phức tạp chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội.
Ví dụ, luật về đặc khu vừa rồi Quốc hội cho ý kiến còn nhiều vấn đề về chính sách đất đai, còn nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu, nhưng rồi Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp này. "Tôi rất lo lắng", đại biểu Tâm nhấn mạnh.
Từ góc nhìn về kỷ luật luật pháp, đại biểu Lê Thanh Vân nói: "tôi nghĩ quản lý đất nước bằng pháp luật là chủ yếu chứ không phải bằng các chỉ đạo cụ thể nhưng luật pháp của ta đang bị xem nhẹ".
Đại biểu chất vấn, 4 bộ trưởng không hồi âm
Ngay đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Tp.HCM) cho biết, tại kỳ họp thứ tư ông đã gửi phiếu đến 17 bộ trưởng chất vấn cùng một nội dung về công tác xây dựng pháp luật.
Có 4 Bộ trưởng không gửi văn bản trả lời chất vấn: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Ông Lộc cũng cho biết, qua tìm hiểu có 12/20 bộ trưởng, trưởng ngành thuộc Chính phủ không trực tiếp phụ trách công tác pháp chế và xây dựng pháp luật mà ủy quyền cho một cấp phó phụ trách. Trong khi đó theo luật thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao.
Phát biểu gần cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói Chính phủ đã cố gắng trình sớm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm sau, năm nay lần đầu tiên đúng hạn, tức là trước 1/3.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong các phiên họp của Chính phủ, hầu như phiên nào cũng có xây dựng thể chế và một năm tổ chức hai phiên họp chuyên đề để xây dựng thể chế và lần nào Thủ tướng Chính phủ cũng đôn đốc các bộ, ngành.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Bộ trưởng Long và Chính phủ quan tâm đến tính chủ động của Chính phủ và uy tín của Chính phủ đối với Quốc hội khi Chính phủ đề xuất các dự án luật.
"Thực ra chúng ta thấy rõ một điều đó là Chính phủ đặt Quốc hội vào một tình thế thực sự khó, tôi muốn Chính phủ nhìn nhận vấn đề này một cách thẳng thắn hơn. Bộ trưởng nói rằng, mỗi một phiên họp của Chính phủ đều quan tâm, dành thời gian để thảo luận và để cho ý kiến về các dự án luật mà nói rằng đó là chủ động, tôi chưa cho rằng đó là một yếu tố để nói là chủ động. Mà phải nhìn thấy rằng chương trình của Chính phủ trình cho Quốc hội, đề nghị Quốc hội rồi Quốc hội có một nghị quyết rất nghiêm túc để thực hiện, cuối cùng Chính phủ lại xin rút ra, xin bổ sung. Tôi cho rằng yếu tố khách quan ít hơn là yếu tố chủ quan" bà Tâm nói.
Nguồn: vneconomy