Phát biểu trong phiên thảo luận về Định hình trật tự an ninh đang biến chuyển ở châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Ngô Xuân Lịch nói:
"Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, thay vì đối đầu, đe dọa sử dụng vũ lực hoặc hành động đơn phương, là con đường tốt nhất".
Ông cho rằng thực tiễn và kinh nghiệm đã chứng minh để giải quyết các vấn đề an ninh phức tạp, trước hết mỗi quốc gia phải tự quyết định vận mệnh của mình.
"Độc lập, tự chủ, tăng cường hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng của an ninh, hòa bình và phát triển. Việt Nam kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời cũng tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác phù hợp với luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên án nặng nề Trung Quốc "đe dọa và cưỡng bức" ở Biển Đông. Bằng chứng là hành động triển khai tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, thiết bị phá sóng điện tử và đưa máy bay ném bom ra những thực thể đang bị nước này chiếm đóng phi pháp tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
"Dù Bắc Kinh luôn đưa ra những lý do ngược lại, việc triển khai các hệ thống này thực chất gắn với việc sử dụng vũ khí cho mục đích đe dọa và cưỡng bức", ông Mattis nhấn mạnh.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc đưa ra lập luận có tính chất cảnh báo: "Trung Quốc nên và đang có tiếng nói trong cộng đồng quốc tế, nhưng các nước láng giềng cũng có tiếng nói trong việc định hình vai trò của Trung Quốc. Vậy nên, Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ xây dựng và hướng tới kết quả với Trung Quốc, nghĩa là hợp tác mọi lúc có thể nhưng cũng cạnh tranh tới cùng khi chúng tôi buộc phải như vậy".
Đáng lưu ý là trong các kỳ Đối thoại Shangri-La (SLD) trước đây, đoàn Trung Quốc thường đáp trả những thông điệp hay chỉ trích hướng về Trung Quốc, đặc biệt của phía Mỹ, còn lần này Bắc Kinh chủ động cử trưởng đoàn cấp thấp và không tham gia phản biện.
"Đối thoại là khi các bên ngồi cùng nhau, đưa ra các ý kiến, bàn thảo và phản biện. Việc Bắc Kinh cố ý rút lui cho thấy họ không muốn đối thoại nữa", tiến sĩ Oh Ei Sun, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế, lãnh đạo và chiến lược châu Á (ASLI, Malaysia) phân tích với Thanh Niên. Mặt khác, Trung Quốc ra sức quảng bá diễn đàn Hương Sơn do chính họ thành lập làm đối trọng với SLD, nhằm tìm kiếm những tiếng nói ủng hộ mình. "Đó là xu hướng xấu cho thế giới", ông Oh nhận định.
Mặt khác, theo vị chuyên gia này, phản ứng của Mỹ cho đến nay hầu như không có tác dụng trong việc ngăn chặn Trung Quốc hành động phi pháp trên Biển Đông. Việc Washington chuyển hướng sang chiến lược Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương cũng bị đánh giá là còn mơ hồ. Trong phát biểu hôm qua, Bộ trưởng Mattis nhắc lại lập trường và thông điệp về Ấn Độ Dương — Thái Bình Dương do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trình bày tại phiên khai mạc SLD tối 1.6.
"Nhưng ông Mattis vẫn chưa đưa ra được những chính sách, biện pháp cụ thể cho chiến lược này", chuyên gia Oh phân tích. Cộng gộp tất cả các diễn biến thực tế, ông nhận định an ninh Biển Đông đang đối diện một khoảng trống.
Nguồn: Thanh Niên