Việc triệu tập này là do Chính phủ Tanzania vừa bắt một nhóm người nước ngoài tàng trữ số lượng lớn sim cards và sim box (300.000 SIM) tình nghi là gian lận cước quốc tế trong đó có SIM của 2 nhà mạng Halotel và Zantel.
"Việc cáo buộc nhà mạng Halotel có liên quan đến vụ việc này là cáo buộc một phía và chưa có kết luận chính thức từ tòa án Tanzania.
Số lượng 300.000 SIM nghi ngờ để sử dụng cho mục đích gian lận cước là do nhóm người nước ngoài thu mua từ hệ thống đại lý phân phối của nhà mạng (tại Tanzania các nhà mạng đều phân phối SIM qua đại lý và hướng dẫn yêu cầu đại lý kích hoạt Sim theo quy định của pháp luật). Vì thế Halotel không trực tiếp bán SIM cho đối tượng người nước ngoài bị tình nghi.
Đối với việc nhập khẩu, lắp đặt và sử dụng các thiết bị viễn thông nghi ngờ liên quan đến gian lận cước và qua mặt chính quyền quản lý là do nhóm người nước ngoài đang bị giam giữ thực hiện không liên quan đến Halotel"- đại diện Viettel ngày 8-6 cho hay.
"Hiện tại Halotel đang có đầy đủ các chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lê Văn Đại và thương hiệu Halotel trước các cáo buộc của tòa án"- Viettel nhấn mạnh.
Viettel là công ty đầu tiên xây dựng, cung cấp kết nối băng rộng di động tới 3.000 ngôi làng tại Tanzania, vốn chưa từng được kết nối Internet hay viễn thông di động trước đó.
Tanzania hiện là thị trường có dân số đông nhất (55 triệu người) và cũng được đầu tư lớn nhất châu Phi (khoảng 800 triệu USD) của Tập đoàn Viettel. Trước khi cung cấp dịch vụ, dự án của Viettel tại Tanzania được đánh giá là "Dự án đầu tư tốt nhất năm 2014 khu vực Đông, Tây và Trung Phi" tại Hội nghị nhà đầu tư toàn cầu 2015.
Halotel được khai trương vào ngày 16-10-2015.
Theo: An Ninh Thủ Đô