Phóng viên: Những ngày qua, truyền đơn kêu gọi, kích động công nhân (CN) tụ tập đông người đã xuất hiện. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như các cấp Công đoàn (CĐ) đã có những hành động cụ thể nào để tuyên truyền, vận động CN?
- Ông Bùi Văn Cường: Ngay khi xác định có việc sử dụng mạng xã hội và truyền đơn kêu gọi, kích động CN biểu tình, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp CĐ, nhất là CĐ cơ sở ở các địa bàn có đông CN lao động, nắm tình hình; vận động đoàn viên CĐ, CN lao động cả nước không tụ tập và có những hành động quá khích làm ảnh hưởng đến đời sống, lao động sản xuất.
Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ một số địa phương đã gửi thông điệp qua báo chí, mạng xã hội và hệ thống loa truyền thanh cơ sở, kêu gọi đoàn viên CĐ và CN tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước và vì tương lai của gia đình, bản thân, không nghe theo và không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu, không để lòng yêu nước bị lợi dụng; không tham gia các hành động trái pháp luật, không chia sẻ những nội dung kích động trên các trang mạng xã hội; giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ công ty, bảo vệ doanh nghiệp (DN), bảo vệ việc làm của chính mình.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã cử các đoàn công tác vào phía Nam chỉ đạo LĐLĐ các tỉnh, thành phố; phân công lãnh đạo, cán bộ CĐ bám sát địa bàn, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến CN lao động để họ hiểu chính sách của Đảng và nhà nước, để bày tỏ ý kiến đúng pháp luật; không bị lôi kéo, kích động theo các phần tử xấu. Tại diễn đàn Quốc hội, với tư cách người đại diện cho CN lao động, những cán bộ CĐ cũng đã bày tỏ ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính — kinh tế đặc biệt và biểu quyết đề nghị xem xét thời điểm thông qua luật.
Nước ta chưa có luật biểu tình. Vậy theo ông, đoàn viên CĐ, CN lao động cần ứng xử như thế nào khi có những vấn đề bức xúc?
— Để ứng xử khi có những vấn đề bức xúc, cách tốt nhất đối với mọi công dân là thông qua đơn, thư gửi cho các cấp có thẩm quyền. Thứ hai là gặp gỡ người có trách nhiệm tại địa phương, đơn vị để bày tỏ. Thứ ba là có thể thông qua hệ thống tiếp nhận ý kiến mà hiện nay các cơ quan trung ương hay địa phương đều có.
Riêng CN lao động thì còn có một kênh đặc biệt hơn nữa là thông qua CĐ — tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CN, người lao động để bày tỏ ý kiến, tổ chức đối thoại với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Tại cơ sở, CN lao động có thể trao đổi với cán bộ từ tổ CĐ, những người trực tiếp làm việc hằng ngày cùng họ.
Trong thư kêu gọi CN, ông đã nhắn nhủ "đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng". Vậy theo ông, các cấp CĐ sẽ phải làm gì? Anh chị em CN nên làm gì để việc bày tỏ lòng yêu nước không bị lợi dụng và vi phạm pháp luật?
— Những cuộc tuần hành, tụ tập đông người và hành động quá khích của CN lao động vào tháng 5-2014 đã gây thiệt hại lớn. Nhiều DN phải ngưng sản xuất, người lao động đã mất việc làm, ảnh hưởng đến đời sống, lao động sản xuất, đến trật tự, an ninh và an toàn xã hội và môi trường thu hút đầu tư của đất nước. Việc đưa thông tin chính thống đến với CN lao động sẽ được các cấp CĐ tập trung làm mạnh mẽ hơn, nhiều hơn nữa, thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức được tiếp cận. Cán bộ CĐ cũng tăng cường trao đổi, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng; tham mưu, phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại với CN để giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách; tạo sự đồng thuận và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển.
CN cũng nên chủ động tiếp nhận thông tin một cách đầy đủ, qua các kênh thông tin chính thống của Đảng, nhà nước, của CĐ. Điều quan trọng là CN tuân thủ pháp luật thì tổ chức CĐ mới có thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Theo tôi, cách bày tỏ lòng yêu nước tốt nhất là CN nên làm tốt việc sản xuất của mình, đàm phán với giới chủ, phối hợp với CĐ trong khuôn khổ pháp luật để quyền lợi của mình được bảo đảm.
Nguồn: nld