Trong quá trình làm báo, khi viết về mảng đề tài chống tiêu cực, tôi đã không ít lần nhận được những cuộc điện thoại đề nghị không tiếp tục viết bài về những thông tin sai phạm gây bất lợi cho một số cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp…
Cũng có lúc họ thông qua những người quen biết để tiếp cận nhưng đều bị tôi thẳng thừng từ chối. Lần này, nhân vật trong bài viết chống tiêu cực của tôi liên quan đến một người khi đó là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Bài viết xuất hiện trên mặt báo đúng thời điểm "nhạy cảm" đến sinh mệnh chính trị của con người này…
Thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6-2016, báo chí rộ lên tin bài về sự xuất hiện của một chiếc xe ôtô Lexus 570, trị giá gần 6 tỷ đồng, được lắp biển kiểm soát màu xanh, dùng để chuyên chở ông Trịnh Xuân Thanh, khi đó là đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Đúng vào thời điểm này, qua các nguồn tin khác nhau, tôi thu thập được một số tài liệu về sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Đây là doanh nghiệp mà ông Trịnh Xuân Thanh từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Bài viết: "Dấu hiệu cố ý làm trái trong vụ ông Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát 3.200 tỷ đồng" do tôi là tác giả được đăng trên Báo Công an nhân dân ra ngày 23-8-2016.
Bài báo đăng vào thời điểm "nhạy cảm" liên quan đến sinh mệnh chính trị và trách nhiệm pháp luật của ông Trịnh Xuân Thanh nên có tiếng vang lớn. Sau khi bài báo đăng được hơn một tuần, vào một ngày thứ bảy (10-9-2016), đúng phiên tôi và phóng viên Trần Xuân trực tại Ban Thời sự — Chính trị — Nghiệp vụ Báo CAND, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ người lạ.
Nhận thấy đây là một việc không bình thường, tuy nhiên vì chưa biết mục đích của người đàn ông kia muốn gặp tôi để làm gì? Biết đâu, họ lại muốn cung cấp thêm thông tin về sai phạm tại PVC thì sao? Vì vậy, cách tốt nhất là đưa ra lý do đang bận trực không thể rời cơ quan được để mời họ đến tòa soạn nói chuyện.
Đồng thời, tôi cũng đề nghị phóng viên Trần Xuân khi khách đến thì không cần phải tránh đi nơi khác để giữ phép lịch sự, mà hãy ở cùng tôi trong phòng để chứng kiến cuộc nói chuyện, đề phòng những điều không hay xảy ra.
Khoảng 15 phút sau, một người đàn ông chừng 45 tuổi, ăn nói hoạt bát, mang theo một chiếc cặp da màu nâu nhạt vào phòng làm việc của chúng tôi. Người đàn ông này rất có tài xã giao, cách nói chuyện tự nhiên như là đã thân quen với tôi từ lâu. Người đàn ông đề nghị tôi thời gian tới, nếu có thông tin bất lợi cho ông Trịnh Xuân Thanh thì không đưa tin nữa…
Ngay tại tòa soạn báo, ông ta bằng nhiều cách muốn tôi thay đổi quan điểm về bài báo nhưng không được chấp nhận. Tôi đứng lên mở cửa để tiễn vị khách này ra khỏi phòng làm việc của tòa soạn. Ngay sau đó, tôi báo cáo sự việc với BBT. Các đồng chí lãnh đạo tòa soạn hoan nghênh thái độ kiên quyết của tôi và nói ứng xử của tôi vừa rồi với vị khách "không mời mà đến" là đúng mực.
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, tôi xin kể lại câu chuyện này như một lời nhắn nhủ tới bạn đọc rằng đại đa số những anh em làm nghề báo luôn giữ vững tôn chỉ, đạo đức nghề nghiệp; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần xây dựng xã hội ta ngày một tốt đẹp hơn.
Theo: CAND